Một bé trai 12 tuổi tử vong tại làng Chathamangalam, quận Kozhikode (Ấn Độ) hôm 05/09, sau khi nhiễm virus Nipah.
Giới chức địa phương đã thiết lập khu vực kiểm soát có bán kính 3km từ nhà cậu bé.
Hai nhân viên y tế đã có triệu chứng nhiễm virus Nipah, và 188 người khác từng tiếp xúc với cậu bé, bao gồm những đứa trẻ cùng chơi với cậu, hiện đang được cách ly. Giới chức y tế bang Kerala cũng theo dõi chặt chẽ 20 trường hợp nguy cơ cao có tiếp xúc gần với cậu bé.
Trước đó, một đợt bùng phát virus Nipah diễn ra tại Kerala hồi tháng 05/2018 đã khiến 17 người tử vong.
Tháng 06/2019, một sinh viên 23 tuổi dương tính với virus Nipah tại Ernakulam, nhưng đơn vị kiểm soát dịch bệnh đã cách ly bệnh nhân, ngăn chặn các ca nhiễm và tử vong.
Đây là lần thứ năm virus Nipah được phát hiện tại Ấn Độ, và là lần thứ ba trên địa bàn bang Kerala.
Virus Nipah được xác định lần đầu trong đợt bùng phát năm 1998 tại Malaysia. Virus gây bệnh nghiêm trọng ở người và động vật, với các triệu chứng gồm sốt, ho, đau họng, chóng mặt, mệt mỏi, buồn nôn và viêm não.
Đợt bùng phát ở các bang Negeri Sembilan và Selangor (Malaysia) hồi năm 1998 khiến 105 người tử vong, bắt nguồn từ các trang trại nuôi lợn.
Virus Nipah không lây truyền qua không khí, đường lây nhiễm chủ yếu là từ động vật (dơi hoặc lợn), từ thức ăn của những loài động vật này, hoặc từ tiếp xúc trực tiếp với dịch cơ thể của người mắc bệnh.
Giới chuyên gia cho rằng virus Nipah lây nhiễm không nhanh ở người, nhưng vẫn đặc biệt lo ngại bởi tỷ lệ tử vong lên tới 40-75%. Hiện chưa có vaccine ngừa virus này.
Người đứng đầu cơ quan y tế bang Veena George cho rằng vẫn còn nhiều trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân, bởi sau khi cậu bé bị sốt hôm 27/08, cha mẹ đã đưa cậu tới phòng khám ở địa phương, sau đó tiếp tục đưa tới một bệnh viện tư và một trường đại học y. Cậu bé qua đời tại một bệnh viện tư khác vào sáng sớm 05/09.
The Straits Times dẫn lời tiến sĩ Amar Fettle, một quan chức bang Kerala cho biết virus Nipah "dễ lây nhiễm khi bệnh tình bệnh nhân đã trở nặng, tức là khi họ đã nhập viện".
Do đó, nguy cơ lây nhiễm ở bệnh viện cao hơn ở cộng đồng.
"Rà soát tiếp xúc và cách ly là phương pháp ngăn chặn virus Nipah hiệu quả nhất," tiến sĩ Fettle nói thêm.
Hôm 05/09, một nhóm điều tra của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Ấn Độ đã thu thập mẫu chôm chôm ở gần nhà bệnh nhân. Người nhà bệnh nhân cho rằng cậu đã nhiễm bệnh sau khi ăn quả chôm chôm.
Các loại quả mà loài dơi ăn được coi là nguyên nhân bùng phát dịch bệnh virus Nipah ở Kerala hồi năm 2018. Giới chức cảnh báo người dân không nên ăn các loại quả rơi xuống mặt đất.
Kerala đang trải qua đợt bùng phát Covid-19 nghiêm trọng. Trên địa bàn bang hiện đang có 250.000 bệnh nhân Covid-19, cao gấp năm lần Maharashtra, bang bị ảnh hưởng nặng nề thứ hai bởi dịch bệnh ở Ấn Độ.
Trên địa bàn bang đã ghi nhận 250.000 bệnh nhân Covid-19, cao gấp năm lần Maharashtra, bang bị ảnh hưởng nặng nề thứ hai bởi dịch bệnh tại Ấn Độ.
Kerala cũng đã ghi nhận đợt bùng phát virus Zika tại thủ phủ Thiruvananthapuram hồi tháng 07.
Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)