Năm 2018, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo căn bệnh do loại virus Nipah gây ra đang hoành hành tại Ấn Độ có nguy cơ trở thành đại dịch bùng phát như Ebola hoặc Zika năm nào. Cho đến nay, đây vẫn là mối lo ngại thường trực.
Cảnh báo virus Nipah (NiV) có khả năng trở thành một đại dịch mới
Trong khi cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 đang bùng phát, các chuyên gia y tế cảnh giác rằng virus Nipah (NiV) có khả năng trở thành một đại dịch mới.
Theo một báo cáo của Access to Medicine, một đợt bùng phát tiềm ẩn trong tương lai của virus Nipah ở Trung Quốc, với tỷ lệ tử vong lên tới 75%, có thể là nguy cơ đại dịch lớn tiếp theo
"Virus Nipah là một bệnh truyền nhiễm mới nổi khác gây ra nhiều lo ngại. Nipah có thể trở thành đại dịch bất cứ lúc nào. Đáng nói hơn, nó có thể là một bệnh nhiễm trùng kháng thuốc", trang The Guardian dẫn lời Jayasree K. Iyer, giám đốc điều hành của Tổ chức Access to Medicine có trụ sở tại Hà Lan, cho biết.
"Chúng ta chưa biết chính xác nguy cơ gây ra đại dịch của Nipah, chưa thể dự đoán được mầm bệnh nào sẽ là thứ gây ra một đại dịch tiếp theo. Tất cả những gì chúng ta biết là sẽ có một đại dịch tiếp theo. Điều đó nói lên rằng, chúng ta nên chuẩn bị tốt nhất có thể để đối phó với các bệnh mà chúng ta biết, chúng có khả năng gây ra những đợt bùng phát lớn, chẳng hạn như Nipah", Emily Gurley, một nhà dịch tễ học nghiên cứu về Nipah tại Trường Y tế Công cộng Bloomberg thuộc Đại học Johns Hopkins nói với Gizmodo.
Xuất hiện năm 1999, lan khắp các quốc gia châu Á trong vài năm và có thể lây truyền từ động vật sang người, từ người sang người
Theo Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC): Virut Nipah là một loại mầm bệnh mới được phát hiện lần đầu vào năm 1999 trong đợt bùng phát dịch tại những trang trại nuôi lợn ở Malaysia và Singapore. Trong 22 năm qua, các đợt bùng phát lẻ tẻ của virus Nipah đã khiến các nhà virus học và quan chức y tế quốc tế lo ngại.
Được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1999 trong một đợt bùng phát ở những người chăn nuôi lợn ở Malaysia, trong vài năm sau đó, virus đã được báo cáo trên khắp các quốc gia châu Á.
Trong đợt bùng phát đầu tiên được công nhận ở Malaysia, cũng ảnh hưởng đến Singapore, hầu hết các ca lây nhiễm ở người là do tiếp xúc trực tiếp với lợn bệnh hoặc các mô bị ô nhiễm của chúng.
Virus Nipah là một loại virus paramyxovirus mới được biết là có thể lây nhiễm sang lợn, chó, người và có thể cả dơi . Đến ngày 27 tháng 4 năm 1999, Bộ Y tế Malaysia đã có báo cáo về 257 trường hợp viêm não do sốt, trong đó có 100 trường hợp tử vong. Phần lớn các trường hợp có bằng chứng trong phòng thí nghiệm về việc nhiễm virus Nipah và hầu hết xảy ra ở bang Negeri Sembilan. Lợn được coi là nguồn lây nhiễm chính cho con người. Hầu hết các trường hợp đã tiếp xúc trực tiếp với lợn, và các chủng virus phân lập được từ lợn và người có trình tự nucleotide giống hệt nhau.
Từ ngày 10/3 đến ngày 19/3/1999, 11 trường hợp viêm não hoặc viêm phổi do sốt khiến 1 người tử vong đã xảy ra ở các công nhân tại 1 trong 2 lò mổ ở Singapore. Chỉ lợn nhập khẩu mới được chế biến tại các lò mổ. trong đó 82% đến từ Malaysia. Các nghiên cứu phân lập huyết thanh hoặc virus cho thấy virus Nipah có ở tất cả 11 bệnh nhân.
Trong các đợt bùng phát sau đó ở Bangladesh và Ấn Độ, việc tiêu thụ trái cây hoặc các sản phẩm trái cây (chẳng hạn như nước ép chà là sống) bị nhiễm nước tiểu hoặc nước bọt từ dơi ăn quả bị nhiễm bệnh là nguồn lây nhiễm cao nhất.
Việc lây truyền virus Nipah từ người sang người cũng đã được báo cáo giữa gia đình và những người chăm sóc bệnh nhân bị nhiễm bệnh.
Tại Siliguri, Ấn Độ vào năm 2001, sự lây truyền của loại virus này cũng được báo cáo trong một cơ sở chăm sóc sức khỏe. Tại đó, 75% các trường hợp mắc bệnh là do lây nhiễm iữa các nhân viên bệnh viện hoặc khách đến thăm. Từ năm 2001 đến năm 2008, khoảng một nửa số trường hợp được báo cáo ở Bangladesh là do lây truyền từ người sang người thông qua việc chăm sóc bệnh nhân bị nhiễm bệnh.
Một đợt bùng phát virus Nipah ở bang Kerala, miền nam Ấn Độ vào năm 2018 đã cướp đi sinh mạng của 17 người. Vào thời điểm đó, các quốc gia, bao gồm cả Ả Rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã tạm thời cấm nhập khẩu trái cây và rau quả đông lạnh và chế biến từ Kerala do dịch bệnh bùng phát tại đây.
Vào thời điểm đó, các quan chức y tế tin rằng dịch Nipah bùng phát ở Bangladesh và Ấn Độ có lẽ liên quan đến việc uống nước ép chà là.
Virus Nipah có mặt trong danh sách 10 bệnh dịch nguy hiểm nhất thế giới
Thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức về sức khỏe. Ngoài những vấn đề như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, con người ngày càng phải đối mặt nhiều hơn với sự bùng phát các bệnh dịch, gia tăng vi sinh vật kháng thuốc...
Chiến lược Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của Tổ chức Y tế Thế giới đã xác định các bệnh và các tác nhân có khả năng gây ra tình trạng y tế công cộng khẩn cấp nhưng hiện tại còn thiếu phương pháp điều trị hiệu quả và vắc-xin. Danh sách các bệnh dịch được ưu tiên về nghiên cứu và phát triển ngoài các dịch bệnh phổ biến như Ebola, sốt xuất huyết khác, Zika thì còn có cả Nipah - loại virus được coi là có thể giết chết nhiều người hơn cả COVID-19.
Trong phiên họp đánh giá thường niên của WHO diễn ra trong vào tháng 2/2018, các chuyên gia đã đưa ra danh sách 10 dịch bệnh nguy hiểm nhất thế giới dựa trên tốc độ lây truyền, mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng điều trị và phòng bệnh. Trong số 10 dịch bệnh được công bố thì bệnh do virus Nipah đứng ở vị trí thứ 7.
Thời kỳ ủ bệnh khá dài, có thể lên tới 45 ngày và không có vắc-xin phòng bệnh
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ở những người nhiễm virus Nipah có thể dẫn đến một loạt bệnh từ nhiễm trùng không có triệu chứng (cận lâm sàng) đến bệnh hô hấp cấp tính và gây tử vong do phù não, hoặc viêm não.
Những người bị nhiễm virus Nipah ban đầu có các triệu chứng bao gồm sốt, đau đầu, đau cơ, nôn mửa và đau họng. Các triệu chứng khác có thể xảy ra bao gồm chóng mặt, buồn ngủ, thay đổi ý thức và kèm theo dấu hiệu thần kinh cho thấy viêm não cấp tính.
Một số người cũng có thể bị viêm phổi không điển hình và các vấn đề về hô hấp nghiêm trọng, bao gồm cả suy hô hấp cấp tính. Trong trường hợp nghiêm trọng, người bệnh bị co giật có thể dẫn đến hôn mê trong vòng 24-48 giờ.
Bệnh do virus Nipah gây ra có thời kỳ ủ bệnh khá dài, khoảng từ 4 đến 14 ngày. Dài nhất là các trường hợp nhiễm virus Nipah với thời gian ủ bệnh là 45 ngày. Điều này có nghĩa là con người có thể lây lan bệnh trong hơn 1 tháng trước khi bị bệnh.
Hiện, virus Nipal đang nằm trong danh sách mầm bệnh cần ưu tiên nghiên cứu và điều chế vaccine phòng ngừa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bên cạnh virus Ebola, Zika, MERS, Lassa và sốt xuất huyết Crimean-Congo.
Cho dù đã có một số vắc-xin thử nghiệm trên động vật đã cho thấy hiệu quả chống lại cả Nipah và Hendra (một chủng virus có họ hàng với Nipah), thậm chí chính phủ Australia cho phép sử dụng một loại vắc-xin để tiêm phòng trên ngựa vào năm 2012 nhưng đến hiện tại vẫn chưa có vắc-xin Nipah nào từng được thử nghiệm trên người.
Theo hướng dẫn về bệnh tật của WHO về virus: "Trong trường hợp không có vắc-xin, cách duy nhất để giảm hoặc ngăn ngừa lây nhiễm virus Nipah ở người là nâng cao nhận thức về các yếu tố nguy cơ và giáo dục mọi người về các biện pháp có thể thực hiện để giảm phơi nhiễm với Virus Nipah".
Các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu của nhiễm virus Nipah không đặc hiệu, và chẩn đoán thường không được nghi ngờ tại thời điểm xuất hiện. Điều này có thể cản trở việc chẩn đoán chính xác và tạo ra những thách thức trong việc phát hiện ổ dịch, các biện pháp kiểm soát lây nhiễm hiệu quả và kịp thời cũng như các hoạt động ứng phó với ổ dịch.
Theo HN (Pháp luật & Bạn đọc)