Cuối tuần trước, nhiều hãng thông tấn đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho phép Ukraine triển khai tên lửa tầm xa của Mỹ, bao gồm Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân ATACMS để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga. Hai đồng minh của Mỹ là Anh và Pháp cũng đồng ý cho Kiev sử dụng vũ khí tầm xa trong cuộc đối đầu với Nga.
Quyết định của người đứng đầu Nhà Trắng được đưa ra sau khi Moscow triển khai gần 50.000 quân ở tỉnh Kursk và mở đợt phản công lớn nhằm đẩy lui các lực lượng Kiev về bên kia biên giới. Kể từ khi đặt chân lên lãnh thổ Nga hồi đầu tháng 8, Ukraine hiện vẫn đang cố thủ trước hỏa lực Nga, quyết không buông “con bài mặc cả” Kursk trước khi có cơ hội ngồi vào bàn đám phán với Moscow.
Kể từ tháng 10/2023, quân đội Kiev đã nhiều lần tấn công các mục tiêu Nga trên chiến trường Ukraine bằng bom chùm và các biến thể khác nhau của tên lửa ATACMS. Trong một thời gian dài, Nhà Trắng không cho phép Ukraine mở rộng phạm vi sử dụng vũ khí vào sâu hơn lãnh thổ Nga vì lo ngại những phản ứng mạnh mẽ hơn từ phía Moscow.
Việc Tổng thống Mỹ Joe Biden chấp thuận cho Ukraine sử dụng vũ khí có tầm bắn hơn 300km để tấn công các mục tiêu ở Nga có ý nghĩa chính trị quan trọng. Ông Biden sẽ sớm rời Nhà Trắng và thái độ hoài nghi của Tổng thống đắc cử Donald Trump đối với chính sách viện trợ cho Kiev đang làm dấy lên lo ngại rằng dòng chảy viện trợ này sẽ bị gián đoạn trong ít nhất 4 năm tới.
Theo giới quan sát, quyết định “xé rào” này có thể mang lại kết quả tương đối hạn chế trên chiến trường, mặc dù mối đe dọa trong tương lai đối với các mặt trận khác cũng có thể làm tăng áp lực lên Moscow.
Trên tiền tuyến
Viện nghiên cứu chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ cho biết trong bản cập nhật tối 17/11 rằng "việc dỡ bỏ một phần" các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây ở Kursk "sẽ không hoàn toàn tước đi nơi ẩn náu của lực lượng Nga".
Ông Ivan Stupak, cựu sĩ quan của Cơ quan An ninh Ukraine, chia sẻ với ABC News rằng quyết định này “gần như không thay đổi bất cứ điều gì, mặc dù đây được xem là một động thái "mang tính quyết định" của Nhà Trắng.
"Số lượng tên lửa và mục tiêu được phép tấn công trên lãnh thổ Nga bị hạn chế nghiêm ngặt. Các tên lửa tầm xa có thể giúp loại bỏ khoảng 1.000 đến 2.000 quân nhân Nga và khoảng 150 đơn vị thiết bị hạng nặng, giúp làm chậm đáng kể bước tiến của Nga ở khu vực Kursk", ông Stupak nói.
Tuy nhiên, ông Dan Rice, cựu cố vấn đặc biệt cho cựu Tổng tư lệnh quân đội Ukraine - Tướng Valery Zaluzhnyi, cũng cho biết quyết định “xé rào” của Nhà Trắng là nước đi "chậm rãi, thận trọng và được báo trước" nhưng vẫn chưa đủ để thay đổi cục diện chiến sự đang bế tắc hiện nay.
"Tầm bắn tối đa 300 km của ATACMS chưa đủ để vươn tới các sân bay, nhà máy hoặc cơ sở hạ tầng năng lượng sâu trong lãnh thổ Nga. Đây mới là những mục tiêu chiến lược mà Kiev cần nhắm tới nếu muốn trụ vững ở Kursk cho đến ngày ngồi vào bàn đàm phán với Nga", ông Rice nói.
Ông cũng cho biết thêm rằng các loại vũ khí có tầm bắn xa hơn như tên lửa hành trình Tomahawk sẽ giúp ngăn chặn việc Nga tăng cường các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái vào các vị trí của Ukraine.
Ngày 17/11, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ đã xác nhận với ABC News rằng, cho đến nay, Ukraine vẫn chưa sử dụng bất kỳ tên lửa ATACMS nào trên đất Nga.
Tại bàn đàm phán
Sức mạnh của ATACMS có lẽ sẽ tạo ra tác động lớn nhất trên mặt trận ngoại giao.
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu Josep Borrell ngày 18/11 cho rằng quyết định “phá rào” của Mỹ đang khuyến khích các quốc gia châu Âu đưa ra động thái tương tự. Các cuộc thảo luận về việc hạn chế Kiev sử dụng tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow/SCALP của Anh-Pháp bên trong lãnh thổ Nga vẫn đang diễn ra sôi nổi, trong khi Kiev vẫn đang thúc đẩy Đức cung cấp tên lửa hành trình Taurus.
Phản ứng trước quyết định mới nhất của Nhà Trắng, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng nếu thông tin về việc Tổng thống Mỹ Joe Biden cho phép Ukraine dùng vũ khí tầm xa của Mỹ đánh sang Nga được xác nhận, sẽ là sự leo thang đáng kể của cuộc xung đột. Ông Peskov cũng lập luận rằng hành động này của Washington đang "đổ thêm dầu vào lửa".
Tổng thống Putin hồi tháng 9 nói rằng việc phương Tây đồng ý cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công sâu lãnh thổ Nga đồng nghĩa với sự “can dự trực tiếp của các nước này vào cuộc xung đột Nga-Ukraine”. Theo đó, Nga sẽ buộc phải tiến hành điều mà nhà lãnh đạo Kremlin gọi là "những quyết định tương xứng" để ứng phó với những mối đe dọa mới.
Chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ của ông Trump đã làm hồi sinh các cuộc thảo luận về một lệnh ngừng bắn và nỗ lực đàm phán hòa bình, sau khi Tổng thống đắc cử đã tuyên thệ sẽ chấm dứt xung đột “trong vòng 24 giờ” bằng cách buộc hai nhà lãnh đạo Nga và Ukraine phải ngồi vào bàn đàm phán.
Moscow đang tăng cường các cuộc tấn công tầm xa và trên bộ, dường như để tăng cường sức mạnh nếu các cuộc đàm phán thực sự được nối lại sau khi ông Trump trở lại Phòng Bầu dục.
Nhà phân tích quân sự Ukraine Sergey Bratchuk viết trên Telegram rằng quyết định của ông Biden là "một động thái tuyệt vời", mặc dù xuất hiện thời điểm “muộn màng”. Đồng quan điểm trên, ông Oleksandr Merezhkko, một thành viên Quốc hội Ukraine và là Chủ tịch ủy ban đối ngoại của cơ quan này, cũng cho rằng cái gật đầu của Mỹ "mang đến cho Ukraine cơ hội tốt hơn để giành chiến thắng trong xung đột với Nga".
"Sẽ tốt hơn nếu dỡ bỏ mọi hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí phương Tây vào sâu trong lãnh thổ Nga. Điều này sẽ tăng cường sức mạnh cho Kiev và có thể buộc ông Putin phải đàm phán", ông Merezhko nói.
Theo Diệp Thảo (Vov.vn)