‘Nước cờ’ của Tổng thống Mỹ Biden làm tăng rủi ro cho ông Trump

18/11/2024 09:02:19

Quyết định của Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ để tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga cho thấy một mô hình quen thuộc.

Trong một thời gian dài, Nhà Trắng từ chối chấp thuận khẩn cầu của Ukraine vì lo ngại sẽ khiến tình hình leo thang. Mất kiên nhẫn, Kiev đã lên tiếng chỉ trích gay gắt sự từ chối này. Nhưng khi lời khẩn cầu của Kiev có vẻ đã bị gác lại, chính quyền của Tổng thống Biden lại chấp thuận.

Những khẩn cầu trước đây của Ukraine về cung cấp lựu pháo HIMARS, xe tăng Abrams và F16 đều trải qua quá trình tương tự: Từ chối và quanh co, cuối cùng chấp thuận vào thời điểm muộn màng.

Liệu có phải đã quá muộn để những tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất tạo ra khác biệt trên chiến trường khi Kiev dùng chúng để tấn công vào sâu đất Nga?

Các chuyên gia cho rằng câu trả lời rất phức tạp và có lẽ cho thấy một phần lý do chính quyền Tổng thống Biden miễn cưỡng chấp thuận.

Trước tiên, nguồn cung ATACMS mà Ukraine có thể nhận được sẽ rất hạn chế. Vì vậy, ngay cả khi Kiev có thể tấn công sâu vào bên trong nước Nga nhờ tầm bắn tối đa 300km của ATACMS cũng sẽ không thể tạo ra thay đổi trong một sớm một chiều trên chiến trường.

Giới phân tích đã liệt kê những mục tiêu ở Nga nằm trong tầm bắn của ATACMS. Nhưng thực sự Ukraine sẽ không có đủ ATACMS để thay đổi tiến trình của cuộc xung đột.

Thứ hai, Ukraine từng xâm nhập sâu vào bên trong nước Nga bằng máy bay không người lái nội địa. Mỹ hỗ trợ tài chính để Kiev phát triển những thiết bị đó, và dường như đã gây thiệt hại đáng kể cho các sân bay và cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga.

Thứ ba, việc cho phép sử dụng tên lửa chính xác của Mỹ để tấn công sâu hơn vào bên trong nước Nga nghe khá khiêu khích.

Nga hiện tại có thể đã bị hao tổn rất nhiều về năng lực quân sự, nên khó có thể theo đuổi một cuộc xung đột toàn diện với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hoặc Mỹ. Nhưng đến một lúc nào đó, Mátxcơva sẽ khôi phục năng lực răn đe của mình.

Các nhà phân tích cho rằng chính quyền Biden đã đúng khi cân nhắc tính hữu ích của các cuộc tấn công tầm xa hơn vào lãnh thổ Nga so với thiệt hại mà Nga sẽ đáp trả.

Vì vậy, đó không phải là quyết định đơn giản hay hiển nhiên như một số người ủng hộ ở Kiev khẳng định. Mục tiêu rộng hơn của quyết định lần này dường như nhằm khiến Mỹ can dự nhiều hơn vào cuộc xung đột Ukraine.

Tuy nhiên, Nhà Trắng nhấn mạnh lý do khiến họ đưa ra quyết định mới nhất là do Nga sử dụng binh lính Triều Tiên.

Các quan chức phương Tây cho rằng việc quân đội Triều Tiên tham gia vào cuộc xung đột trở thành vấn đề liên quan đến các đối thủ của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, và cũng khiến cuộc xung đột trở thành vấn đề toàn cầu hơn.

Theo lý giải của Mỹ, quyết định lần này là sự leo thang nhằm đáp trả hành động leo thang.

Nhưng thực tế là Tổng thống Biden đã trì hoãn quá lâu vì ý nghĩa biểu tượng của quyết định này.

Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể đang nghĩ rằng ông dễ dàng dàn xếp hoà bình, nhưng thực tế là ông sẽ thừa hưởng một cuộc chiến với những yếu tố rủi ro đang gia tăng đáng kể.

Bloomberg vừa dẫn nguồn tin nắm được đánh giá của một số quốc gia trong nhóm G20 cho biết, Triều Tiên có thể triển khai tới 100.000 quân để hỗ trợ Nga trong cuộc xung đột với Ukraine. Các nguồn tin cho biết lực lượng này sẽ được triển khai theo từng đợt và luân phiên nhau chứ không phải cùng lúc.

Đầu tháng này, Đại sứ Ukraine tại Hàn Quốc Dmytro Ponomarenko đưa ra đánh giá tương tự.

Theo Thu Loan (Tiền Phong)

Nổi bật