Vệ là một quốc gia chư hầu của nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc.
Đô thành của nước Vệ rất nổi tiếng, gọi là Triều Ca, cũng từng là đô thành của triều đại Ân Thương. Vị quân chủ thứ 18 của nước này là Cơ Xích có một sở thích rất đặc biệt, ông dành tình yêu to lớn cho thú cưng, mà chính xác hơn chính là loài hạc.
Dưới thời trị vì của Cơ Xích, những con hạc được hưởng nhiều đặc ân mà chỉ rất ít quý tộc mới có được. Chúng được khoác lên mình vải lụa, ăn những loại thực phẩm trân quý và đắt đỏ, sống trong mái đình “đông ấm hạ mát”, ra ngoài chơi được ngồi trên xe kéo thiết kế công phu. Mà loại xe kéo này cũng rất đặc biệt, được thiết kế giảm xóc đến mức tối đa, tránh trường hợp hạc đẻ trứng trên kiệu bị làm vỡ. Trên xe kéo còn có treo tấm màn mỏng, ngày nắng không sợ chói, ngày giông không sợ mưa tạt.
Càng ly kỳ hơn, Cơ Xích còn phong chức quan cho những con hạc cưng của mình, đưa chúng vào hàng quý tộc, vừa có quyền vừa có thế.
Bách tính nhân dân nước Vệ vô tình làm những con hạc sợ hãi hoặc giật mình sẽ bị phán tội nặng. Nếu làm chúng bị thương hoặc chết đi, đương nhiên tội chết khó tha.
Cơ Xích là quân chủ một nước, nhưng lại không chăm lo việc trị an và thái bình thiên hạ, chỉ toàn tâm toàn ý ở bên cạnh chăm sóc những con hạc. Bất bình trước cách trị quốc của Cơ Xích, bách tính sinh lòng thù ghét, oán thán đến tận trời.
Lại cộng thêm cha của Cơ Xích, là quân chủ nước Vệ tiền nhiệm, Vệ Huệ Công Cơ Sóc, vốn không được lòng dân, càng khiến dân tình bất bình hơn. Do đó, họ chỉ muốn Cơ Xích xuống ngôi càng sớm càng tốt.
Năm 661 TCN, một dân tộc thiểu số phương Bắc gọi là “Địch”, đã tiến hành xâm lược nước Vệ quy mô lớn và nhanh chóng tiếp cận thành Triều Ca. Cơ Xích thấy tình thế không ổn, lập tức ra lệnh cử quân phòng thủ. Thế nhưng đám quân này đã bất mãn với Cơ Xích từ lâu vì những con hạc nên không muốn ra trận.
Không còn cách nào khác, Cơ Xích chỉ đành thả lũ hạc cưng của mình đi để yên lòng quân dân. Không ngờ lũ hạc này vốn đã quen sinh sống trong thành nên không chịu bay đi xa, mà lang thang bên ngoài. Người dân đói khát đã giết lũ hạc làm thịt.
Thấy quân chủ bày tỏ lòng thành, dân chúng đã nguyện lòng đáp ứng, cùng xông lên chống lại người Địch.
Lúc này, Cơ Xích cảm thấy mình đuổi lũ hạc đi vẫn chưa cảm hóa lòng dân nên đã quyết định ngự giá thân chinh. Thế nhưng ông vốn không am hiểu binh pháp trận mạc, cuối cùng bị người Địch giết chết, nước Vệ cũng mất theo.
Được khoảng 5.000 di dân tại các nước Tống, nước Trịnh hỗ trợ, nước Vệ mới dời đô tới Tào (nay là phía đông huyện Hoạt, tỉnh Hà Nam). Sau nhờ được Tề Hoàn công viện trợ, năm 659 TCN dời đô tới Sở Khâu (nay là phía đông huyện Tuấn, địa cấp thị Hạc Bích, tỉnh Hà Nam), một lần nữa tái lập nước nhưng giờ đây chỉ còn là một tiểu quốc.
Nước Vệ vẫn tồn tại đến tận thời kì Nhà Tần thống nhất Trung Hoa. Năm 209 TCN, vị quân chủ cuối cùng của nước Vệ là Vệ Giác bị Tần Nhị Thế Hồ Hợi phế làm thứ dân, nước Vệ chính thức bị diệt.
Sau khi Cơ Xích qua đời, hậu thế mới đặt cho ông một ích hiệu là Vệ Ý Công. Chữ “Ý” mang nghĩa của sự đức hạnh, có lẽ cũng là niềm an ủi duy nhất dành cho sự nghiệp bảo vệ và yêu thương động vật của Cơ Xích.
Nguồn: Sohu
Theo Trung Hạ (Phụ Nữ Số)