Ngạch Nhĩ Đức Đặc Văn Tú (1909-1953), được biết đến với tên gọi Thục phi Văn Tú, là Hoàng phi của vua Phổ Nghi, vị Hoàng đế cuối cùng của triều đại nhà Thanh cũng như trong lịch sử Trung Quốc. Năm 1931, Thục phi Văn Tú trở nên nổi tiếng với danh hiệu "Hoàng phi cách mạng" vì là vị phi tần đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa chủ động ly hôn với Hoàng đế.
Văn Tú sinh ra trong một gia đình quý tộc quan lại giàu có thuộc Tương Hoàng Kỳ của Mãn Châu. Tuy nhiên, đến đời cha Văn Tú là Đoan Cung thì cơ nghiệp gia đình bất đầu sa sút dần. Mẹ Văn Tú là Tưởng thị, vợ thứ của Đoan Cung, có hai người con gái với ông là Văn Tú và Văn Sách. Đến khi Đoan Cung mắc bệnh qua đời, mẹ Văn Tú phải một mình nuôi hai con gái ruột và người con gái của vợ cả đã mất từ sớm của Đoan Cung.
Năm 1921, Hoàng đế Phổ Nghi tròn 16 tuổi và bắt đầu việc tuyển vợ. Trong vô số những bức ảnh các cô gái danh giá được gửi về cho Hoàng đế lựa chọn thì có hai cô lọt vào mắt xanh của ngài, chính là Uyển Dung và Văn Tú. Kết quả, Uyển Dung khi đó 17 tuổi được lựa chọn làm Hoàng hậu còn Ngọc Phương mới chỉ 14 tuổi được lựa chọn làm Hoàng phi.
Thục Phi Văn Tú được đưa vào hậu cung ngày 29 tháng 11 năm 1922, trước Uyển Dung một ngày nhưng đêm động phòng Phổ Nghi lại không sủng hạnh bà vì sáng hôm sau còn phải cử hành đại hôn với Hoàng hậu Uyển Dung.
Uyển Dung sau khi được phong hậu, luôn lấy thân phận chính thất để lấn lướt, tranh đoạt sủng ái của Phổ Nghi với Văn Tú. Uyển Dung thậm chí còn chủ trương chỉ nên một vợ một chồng, do vậy cực lực phản đối chuyện Hoàng đế lấy vợ bé. Đến bữa, Văn Tú không được ăn cùng Hoàng đế và Hoàng hậu mà phải ăn một mình.
Tiếng là vợ chồng nhưng Văn Tú chưa một lần được yêu mà phải cô quạnh sống trong cung như chiếc bóng. Sau đó, Phổ Nghi cũng động lòng với hoàn cảnh của Văn Tú vì vậy đã mời một giáo viên tới dạy tiếng Anh cho Hoàng phi của mình. Văn Tú học rất chăm, tiến bộ rất nhanh, tư tưởng cũng từ đây mà bắt đầu trở nên cởi mở hơn. Văn Tú cũng dần dần nuôi dưỡng niềm yêu thích với văn học, các loại sách văn học đã trở thành người bạn của Văn Tú suốt những tháng ngày phải sống cô độc trong hoàng cung nhà Thanh.
Tuy nhiên quãng thời gian bình yên bên kiến thức sách vở của Văn Tú không kéo dài được bao lâu thì Hoàng thất nhà Thanh bị quân phiệt Phùng Ngọc Tường ép rời khỏi Hoàng cung, kết thúc thời kỳ hoàng kim của Hoàng thất nhà Thanh vào ngày 5/11/1924.
Sau khi rời khỏi cung, Phổ Nghi đã không ít lần kêu gọi sự tương trợ của Nhật Bản để giúp mình đòi lại vương vị. Bằng kiến thức cũng như sự uyên bác của mình, Văn Tú đã nhiều lần khuyên nhủ Phổ Nghi không nên làm vậy vì cho rằng quân Nhật chắc hẳn cũng không tốt đẹp gì, bởi chả mấy ai tự nhiên chịu giúp đỡ người khác không công.
Tuy nhiên, Phổ Nghi một mực đối đầu với Văn Tú trong tư tưởng, ông cho rằng Văn Tú là phụ nữ không biết gì mà lại đòi xen vào chuyện chính trị. Cũng từ thời điểm này, ông dần dần ghét bỏ và đối xử tồi tệ với Văn Tú.
Cảm thấy không thể chịu đựng cuộc sống như thế này thêm được nữa, Văn Tú liền tìm hiểu luật và phát hiện ra rằng khi Phổ Nghi rời khỏi cung thì ông cũng như một công dân bình thường của Trung Hoa dân quốc, chưa kể thời điểm bấy giờ chế độ bình quyền và bài trừ phân biệt đối xử cũng được chính phủ nêu cao. Đánh liều một phen, Văn Tú trốn ra ngoài và đệ đơn kiện lên tòa án yêu cầu ly hôn với Phổ Nghi. Trong đơn kiện có viết như sau:
"Kiện Phổ Nghi ngược đãi Văn Tú đến mức không thể chịu đựng được nữa. Phổ Nghi mắc bệnh yếu sinh lý, ở cùng nhau 9 năm mà chưa từng sủng hạnh Văn Tú lần nào. Vì thế, Văn Tú quyết định ly hôn và yêu cầu mỗi tháng Phổ Nghi phải cung cấp 500 ngàn tiền sinh hoạt phí".
Đơn kiện của Văn Tú khiến Phổ Nghi vừa giận vừa thẹn vì nó làm tổn thương nghiêm trọng tới sĩ diện của hoàng thất triều Thanh cũng như thân phận "hoàng thượng" của ông. Tuy nhiên, mặc cho thái độ của Phổ Nghi ra sao, các tờ báo tại Nam Kinh và Thiên Tân vẫn liên tục cho đăng tải các thông tin liên quan tới việc Văn Tú đòi ly hôn với cựu hoàng Phổ Nghi, gọi cô là một "Hoàng phi cách mạng".
Chính nhờ sức mạnh của dư luận, Văn Tú đã thắng kiện, kết quả là vào ngày 22/10/1931, sau nhiều ngày đàm phán, cuối cùng Phổ Nghi cũng ký vào tờ giấy ly hôn gồm 3 điều kiện kèm theo: Một là, sau khi ly hôn Phổ Nghi phải cung cấp cho Văn Tú 550 ngàn tiền sinh hoạt phí; hai là, Phổ Nghi phải đồng ý để Văn Tú mang theo những đồ dùng và quần áo thường ngày của mình; ba là, sau khi Văn Tú về Bắc Bình sống nhất định không được làm việc gì ảnh hưởng tới danh dự của Phổ Nghi.
Những năm tháng cuối đời
Tuy trở về làm dân thường, các thói quen trong cung của Văn Tú vẫn còn. Bà thuê bốn người giúp việc. Mỗi ngày thay quần áo rửa tay đều phải qua ba lần, mỗi lần phải chế thêm nước nóng, lượt nước cuối cùng cũng không được để bỏng tay. Nếu người hầu làm không vừa ý sẽ bị bà mắng...
Sự xa hoa diễn ra chẳng bao lâu, số tiền bồi thường của chồng cũ dần hết. Tháng ngày ở nhà đọc sách của Văn Tú cũng kết thúc.
Văn Tú đổi tên thành Phó Ngọc Phương, về làm giáo viên tại một trường dân lập. Cuộc sống mới bắt đầu, Văn Tú dần tươi cười, thích ở bên trẻ con và cũng được trẻ con yêu quý. Niềm hạnh phúc của bà bấy giờ thật giản dị, là hạnh phúc của tự do.
Không lâu sau, bà bị phát hiện ra thân phận là hoàng phi cuối cùng của nhà Thanh. Người người vây kín cửa nhà khiến cuộc sống của bà bị đảo lộn. Văn Tú đành rời khỏi trường học trong nước mắt. Sau đó, bà rơi vào cảnh khốn khó, làm nghề dán hộp giấy, thậm chí làm thợ xây nhà để kiếm sống.
Năm 1949, sau khi cuộc kháng chiến ở Trung Quốc giành thắng lợi, Văn Tú làm người hiệu đính của một tờ báo, sau đó kết hôn với Lưu Chấn Đông, phụ tá của Lý Tông Nhân, quyền tổng thống Trung Hoa Dân Quốc sau khi Tưởng Giới Thạch từ chức năm 1947.
Hôn lễ được diễn ra long trọng lại Đông Hưng Lâu, một địa điểm nổi tiếng ở Trung Quốc bấy giờ. Lưu Chấn Đông đem số tiền tích cóp hơn hai mươi năm giao cho Văn Tú. Sau khi kết hôn, Lưu Chấn Đông mở tiệm cho thuê xe kéo loại nhỏ. Văn Tú sau đó bỏ nghề hiệu đính. Gia đình họ còn có một người giúp việc, Văn Tú trải qua những ngày bình yên đọc sách vẽ tranh. Cuộc sống như vậy duy trì được hai năm thì Lưu Chấn Đông phá sản, căn nhà mới mà họ dày công tích cóp cũng mất.
Hai người chưa kịp trốn về phía nam thì thành Bắc Bình bị bao vây. Lưu Chấn Đông nghe vợ, ra trình diện với chính quyền. Nhờ biểu hiện tốt, ông ở lại làm việc ở đội vệ sinh quận Tây Thành, Bắc Kinh với thu nhập thấp nhưng đủ trang trải cuộc sống.
Văn Tú và Lưu Chấn Đông sống trong một căn phòng chỉ 10 m2. Văn Tú tự quán xuyến việc nhà, lo việc nội trợ. Tuy nhiên, hai người không có con. Năm 1953, Văn Tú qua đời do nhồi máu cơ tim khi chưa kịp đón sinh nhật lần thứ 44. Bà qua đời lúc 10 giờ đêm và chỉ có chồng ở bên cạnh.
(Tổng hợp)
Biên Thùy (SHTT)