Ngày 17-9 vừa qua, 6 quan chức ở Trung Quốc đã bị phạt vì tội lơ là trách nhiệm sau khi một phụ nữ sát hại 4 con của cô ta rồi tự vẫn ở tỉnh Cam Túc, phía tây bắc Trung Quốc.
Người mẹ trẻ quẫn trí
Dương Cải Lan, 28 tuổi, ở làng A Cô, thị trấn Cảnh Cổ, huyện Khang Lạc (tỉnh Cam Túc) đã dùng rìu chém trọng thương 1 con trai và 3 con gái (từ 3-6 tuổi) trước khi uống thuốc trừ sâu tự sát vào ngày 26-8 vừa qua. Quá đau lòng trước sự ra đi của vợ con, 8 ngày sau, chồng của Dương Cải Lan - họ Lý cũng uống thuốc độc kết liễu cuộc đời.
Vụ án mạng tập thể này đã thu hút nhiều chú ý của chính quyền địa phương cũng như dư luận khắp Trung Quốc. Một số người cho rằng, nguyên nhân do nghèo đói và tuyệt vọng. Một nhân chứng là người cùng làng cho biết, vào ngày xảy ra bi kịch, cô nghe thấy tiếng la hét và gào khóc vọng ra từ nhà của Dương Cải Lan.
Khi mọi người kéo tới ngôi nhà xiêu vẹo của Dương Cải Lan thì kinh hãi phát hiện 4 đứa trẻ nằm trên vũng máu, trong đó 3 bé đã tử vong, bé gái lớn 6 tuổi bị vỡ đầu và Dương còn thở thoi thóp. Tất cả được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi.
“Gia đình này rất nghèo, nhưng Dương luôn vui vẻ. Tôi không ngờ cô ấy lại làm thế với các con mình” - một người dân cho biết. Bà của Dương Cải Lan đã 70 tuổi đau buồn kể lại, “tôi đã cố ngăn cản Lan nhưng nó gạt tôi ra và nói sẽ mang các con đi theo mình”…
Quan chức bị kỷ luật, cách chức
Câu chuyện về gia đình tứ đại đồng đường với 8 nhân khẩu rồi đột ngột 6 người tử vong này đã khiến cả thôn làng miền núi A Cô phải bàng hoàng, thương tiếc.
Theo một thông cáo ngày 17-9 của chính quyền huyện Khang Lạc, vụ giết người và tự sát bộc lộ nhiều vấn đề nghiêm trọng trong công tác của giới chức địa phương và họ không thể trốn tránh trách nhiệm.
Tờ Chinadaily đưa tin, Phó chủ tịch huyện Khang Lạc Mã Vĩnh Trí bị cảnh cáo trong nội bộ Đảng, Bí thư Đảng ủy thị trấn Cảnh Cổ Bạch Trung Minh và Trưởng thị trấn này Lã Cường bị cảnh cáo nghiêm trọng trong nội bộ Đảng. Trong khi đó, Phó trưởng thị trấn Cảnh Cổ Trần Quảng Kiến cùng 2 quan chức làng A Cô là Lý Tiến Quân và Ngụy Công Huy bị kiến nghị cách chức.
Theo bản thông cáo trên, gia đình Dương Cải Lan đã có một vài xích mích và họ cũng rất ít giao lưu với hàng xóm cũng như người dân làng khác. Tuy nhiên, cán bộ trong làng A Cô lại không hòa giải xích mích và đẩy mạnh tiếp xúc với gia đình này.
Gia đình Dương Cải Lan thuộc dạng nghèo khó và không đồng tình với các kế hoạch đổi mới của chính quyền địa phương. Cán bộ làng và thị trấn lại không sát sao tới hoàn cảnh của họ, cũng như gợi ý cho họ những giải pháp nhằm cải thiện cuộc sống.
Theo tờ Chinadaily, gia đình Dương Cải Lan làm không đủ ăn, Lan ở nhà làm ruộng và chăn nuôi, trong khi chồng là công nhân trên thành phố. Người chồng chỉ kiếm được 7.000 NDT (khoảng 1.000 USD) mỗi năm và gửi về cho gia đình khoảng 450 USD/năm.
Gia đình Dương Cải Lan không nhận được trợ cấp thu nhập thấp từ năm 2013, bởi gia đình cô được đánh giá thu nhập hàng năm 4.000 NDT (khoảng 600 USD), như vậy là cao hơn mức 2.300 NDT theo quy định.
Sau khi xảy ra bi kịch, chính quyền huyện Khang Lạc đã mở cuộc điều tra và ra kết luận rằng, cán bộ cơ sở không thực hiện hiệu quả chính sách giảm nghèo, đặc biệt không làm giảm được tình cảnh khó khăn cho hộ gia đình này.
Các cán bộ làng A Cô cũng được cho là thiếu quan tâm tới chồng của Dương Cải Lan, dẫn tới việc người chồng 31 tuổi tự tử chỉ vài ngày sau khi vợ con chết. Hiện, gia đình này chỉ còn người bà (70 tuổi) và người bố (50 tuổi) của nạn nhân, chính quyền huyện Khang Lạc đã quyết định giúp họ cải tạo lại căn nhà cũ nát.
Bi kịch của gia đình Dương Cải Lan là hồi chuông cảnh tỉnh cấp chính quyền địa phương ở Trung Quốc phải quan tâm hơn tới đời sống người dân. Tại huyện Khang Lạc, một cuộc chỉnh đốn cung cách làm việc của cán bộ đang được tiến hành để giải quyết thỏa đáng các tranh chấp của người dân và để thúc đẩy hiệu quả hơn việc đổi mới nông thôn.
Ngoài ra, theo thông cáo của chính quyền huyện này, một đợt thanh tra về các khoản phụ cấp cho những hộ gia đình thu nhập thấp sẽ được triển khai trong thời gian tới.