Putin im lặng trước tin bất ổn tại Mỹ
Tờ Moscow Times cho hay, ông Putin không đưa ra thông cáo nào về sự hỗn loạn chưa từng thấy tại Mỹ, khi ông trao đổi với các phóng viên sau một sự kiện. Trong khi đó Bộ Ngoại giao Nga lên tiếng nhận xét quy trình bầu cử của Mỹ là cũ kỹ và dễ xảy ra những vi phạm.
Đám đông người biểu tình ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trở nên quá khích và ập vào Điện Capitol chiều ngày 6/1 (theo giờ miền Đông), làm gián đoạn phiên họp của lưỡng viện Quốc hội Mỹ - nhằm xác nhận kết quả bỏ phiếu Đại cử tri bầu tổng thống Mỹ.
Bạo lực đã xảy ra khi người biểu tình đụng độ với cảnh sát, khiến lãnh đạo Quốc hội Mỹ phải sơ tán. Vụ việc châm ngòi chỉ trích từ trong và bên ngoài Mỹ, bao gồm các cáo buộc Tổng thống Trump có ý định thúc đẩy một cuộc đảo chính.
Hãng RIA Novosti dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova, nói "những sự kiện ở Washington cho thấy quy trình bầu cử của Hoa Kỳ là cũ kỹ, không đáp ứng những tiêu chuẩn hiện đại và dễ bị vi phạm."
"Chúng tôi chúc những người dân Mỹ thân thiện sẽ sống sót qua thời khắc kịch tính trong lịch sử này của họ bằng phẩm giá."
Bà Zakharova cũng chia sẻ trên Twitter dòng tweet của trưởng chi nhánh đài CNN tại Moskva Jill Dougherty, nói rằng nước Mỹ "sẽ không bao giờ có thể nói với thế giới một lần nữa rằng chúng ta là một điển phạm cho nền dân chủ".
Các chính khách Nga nói gì?
Nhiều lãnh đạo trên thế giới, bao gồm NATO và Liên minh châu Âu (EU), bày tỏ thái độ sốc và phẫn nộ trước biểu tình bạo lực ở Quốc hội Mỹ ngày 6/1, lên án đám đông biểu tình là "tấn công nền dân chủ" Mỹ.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói "Những gì xảy ra ở Washington ngày hôm nay không phải là nước Mỹ", còn Thủ tướng Anh Boris Johnson chỉ trích "những cảnh tượng đáng hổ thẹn" của cuộc biểu tình.
Tại Nga, lãnh đạo đảng Cộng sản Nga Gennady Zyuganov ra thông cáo bình luận rằng "boomerang đã quay trở lại với họ (Mỹ)".
"Chính Mỹ đã phát động các cuộc cách mạng màu. Trong 50 năm qua họ đã tiến hành gần bốn chục cuộc, nếu không phải là hơn," ông Zyuganov. "Giờ thì họ đang phải trả giá."
MC ủng hộ Điện Kremlin, ông Vladimir Sovolyov, thì so sánh các sự kiện ở Mỹ với "Maidan tại Washington" - đề cập tình trạng bất ổn ở Ukraine cuối năm 2013, đầu năm 2014, dẫn đến vụ lật đổ chính quyền Tổng thống Viktor Yanukovych.
Nhật báo Kommersant (Nga) mô tả việc người biểu tình Mỹ xâm chiếm nhà Quốc hội là "một cuộc đồ sát" đối với Điện Capitol.
Hai thượng nghị sĩ Nga, gồm Chủ tịch Ủy ban Chính sách Thông tin Thượng viện, ông Alexei Pushkov, chia sẻ các thuyết âm mưu do Hạ nghị sĩ Cộng hòa Mỹ Matt Gaetz nêu ra - cho rằng cuộc biểu tình bạo lực ngày 6/1 có sự dính líu của các nhóm cực tả được biết đến với tên gọi chung "antifa".
Nghị sĩ Leonid Slutsky, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, bình luận, "Bất ổn ở Điện Capitol làm gián đoạn quá trình xác nhận bầu cử chính thức ở Quốc hội [Mỹ] rõ ràng đã phủ bóng lên toàn bộ quy trình chuyển giao quyền lực dân chủ."
"Như chúng ta thấy, cái boomerang 'cách mạng màu' [ở các nước hậu Xô Viết] đang trở lại với Mỹ. Tất cả điều này đe dọa sẽ chuyển thành một cuộc khủng hoảng với hệ thống quyền lực của Mỹ trong thế kỷ mới."
Trong một thông cáo riêng lẻ, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin nói Mỹ không còn có thể được xem là hình mẫu của nền dân chủ sau những sự kiện ngày mùng 6.
Vladimir Zhirinovsky, lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do Nga (LDPR), thì gửi thông điệp đến Tổng thống Trump. "Hãy mạnh mẽ, Donald. Chúng tôi ở bên ông, thế giới sẽ giúp ông."
Dmitry Polyansky, Phó Đại sứ thứ nhất của Nga tại Liên hợp quốc (LHQ), thì mượn sự kiện tại Mỹ để lên án cuộc đảo chính tại Ukraine năm 2014.
"Tại sao các vị gọi người biểu tình ập vào Điện Capitol ở Mỹ là 'chủ nghĩa khủng bố trong nước', trong khi những sự kiện tương tự và đẫm máu hơn tại Kiev năm 2014 lại là 'cách mạng của phẩm giá'?" - ông Polyansky viết trên Twitter, thông điệp sau đó được tài khoản chính thức của Phái đoàn ngoại giao Nga tại LHQ chia sẻ.
Theo Hải Võ (Doanh nghiệp & Tiếp thị)