Những con số nói lên điều gì?
Theo cuộc thăm dò của New York Times và Siena College được thực hiện từ ngày 28/4 đến 9/5, cựu Tổng thống Trump đang dẫn trước đối thủ Biden tại 5 trong số 6 bang chiến trường quan trọng. Theo đó, tỉ lệ ủng hộ hai ứng viên Donald Trump và Joe Biden lần lượt là 47% - 44% ở Pennsylvania, 49% - 42% ở Arizona, 49% - 42% ở Michigan, 49% - 39% ở Georgia và 50% - 38% ở Neveda. Wisconsin là bang duy nhất mà ông Biden vươn lên dẫn trước với cách biệt chỉ 2%.
Cuộc thăm dò cũng cho thấy thay đổi lớn trong thái độ của cử tri đối với ông Biden, đặc biệt là cử tri trẻ, cử tri da màu và cử tri gốc Ả Rập – nhóm cử tri “làm nên sức mạnh cho Tổng thống đương nhiệm”, theo nhà phân tích chính trị cử tờ New York Times Nate Cohn. Theo dữ liệu thống kê, các cử tri theo đạo Hồi hoặc gốc Trung Đông/Bắc Phi đang "quay lưng" lại với Tổng thống Mỹ, khi tỉ lệ ủng hộ dành cho ông Trump đã cập mốc 57%; tăng gấp rưỡi so với năm 2020.
Điều này được cho là sự chuyển biến ngoạn mục so với thời điểm năm 2020, khi ông Biden giành chiến thắng trước ông Trump ở 6 bang chiến địa và thành công trở thành ông chủ Nhà Trắng 4 năm sau đó. Những con số thống kê không chỉ đưa ra dự báo về khả năng thắng cử của các ứng viên, mà còn cho thấy những bước chuyển dịch lớn về tình hình nước Mỹ trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử.
Theo ông Cohn, chính sách kinh tế, vấn đề nhập cư và tình hình chiến sự ở Ukraine và Trung Đông dưới thời ông Biden là những lý do chính khiến cử tri thay đổi lựa chọn của mình. Nhiều cử tri thừa nhận ngay cả khi không có nhiều thiện cảm với cựu Tổng thống, họ vẫn quyết định sẽ bỏ phiếu cho ông Trump vì tin rằng ông có thể đưa ra những thay đổi cần thiết cho nước Mỹ.
“Đây là một tin xấu đối với Tổng thống”, ông Cohn nói.
Các tổng thống đương nhiệm thường có lợi thế trong các chiến dịch tái tranh cử, bởi họ có khả năng đưa ra các chính sách nhằm củng cố các tuyên bố trong sự kiện tranh cử của mình và thu hút sự ủng hộ từ nhóm cử tri dao động trước khi bước vào cuộc tổng tuyển cử cuối năm. Tuy nhiên, có thể thấy, Tổng thống Joe Biden không tận dụng được lợi thế trong chiến dịch năm nay, khi chính sách đối nội và đối ngoại của ông liên tục trở thành chủ đề công kích của đảng Cộng hòa và phần lớn cử tri.
Ông Biden đang học tập hướng đi của người tiền nhiệm?
Cách thức Tổng thống Mỹ xử lý những vấn đề hiện nay đang trở nên cứng rắn hơn trước, khác hẳn với hình ảnh chính trị gia ôn hòa mà ông luôn theo đuổi, trong bối cảnh cử tri Mỹ đang bất mãn.
Sau khi Điều khoản 42 nhằm hạn chế số lượng người nhập cư vào Mỹ chính thức hết hiệu lực vào hôm 11/5, chính quyền Tổng thống Mỹ đang cân nhắc một hướng đi mới để giải quyết vấn đề biên giới. Theo đó, người di cư sẽ không được chấp nhận tị nạn tại Mỹ trừ khi chứng minh được từng bị từ chối bảo vệ bởi một quốc gia mà họ đã đi qua. Những người vi phạm chính sách này có thể bị truy tố hình sự, giam giữ kéo dài và cấm nhập cảnh trong vòng 5 năm. Động thái cứng rắn của ông Biden có nét tương đồng với tuyên bố tiến hành “một chiến dịch trục xuất người nhập cư quy mô lớn” ngay sau khi tái đắc cử của ông Trump hồi cuối năm ngoái.
Bên cạnh đó, theo hãng tin Axios, ông Biden cũng nỗ lực nâng cao uy tín với cử tri bằng cách “nối dài” cuộc chiến thương mại mà người tiền nhiệm Donald Trump đã bỏ ngỏ. Chính quyền ông Biden được cho là sẽ giữ nguyên các mức tăng thuế mà cựu Tổng thống từng áp đặt lên các hàng hóa Trung Quốc, bao gồm xe điện và các công nghệ khác liên quan đến quá trình chuyển đổi năng lượng xanh. Được biết, mức thuế dành cho xe điện sẽ tăng gấp 4 lần so với thời điểm hiện nay, từ 25% lên tới 100%.
Ngoài ra, Theo một số chuyên gia, những thay đổi trong đường hướng chính trị của ông Joe Biden được cho là phiên bản mới hơn của chiến lược Triangulation được kế thừa từ thời cựu Tổng thống Bill Clinton, người vốn có xuất thân từ đảng Dân chủ. Theo đó, các ứng viên chính trị không thể hiện quan điểm nghiêng về phía đảng xuất thân hay đảng đối lập mà sẽ lựa chọn phương thức tiếp cận cử tri linh hoạt theo tình hình thực tế, nhằm giành được sự ủng hộ và tránh khỏi công kích từ các đối thủ tranh cử.
Cựu Tổng thống Bill Clinton đã sử dụng hiệu quả chiến thuật này trong chiến dịch tái tranh cử năm 1996; đồng thời thúc đẩy cải cách phúc lợi, thực hiện các chính sách kinh tế nhằm giảm thâm hụt ngân sách và củng cố các quy định về môi trường theo cách “ít gây thiệt hại” hơn so với chương trình nghị sự “Contract with America” mà đảng Cộng hòa đề xuất 2 năm trước đó.
“Cử tri thích đường hướng chung của đảng Cộng hòa, nhưng họ nghĩ rằng chính sách của đảng này quá khắc nghiệt. Ông Clinton có cách tiếp cận mềm mỏng hơn, nhưng vẫn đạt được hiệu quả nhờ thông qua các chính sách có nét giống với đảng Cộng hòa”, Cố vấn truyền thông của đảng Cộng hòa Robert Goodman nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Washington Post vào năm 1995.
Có vẻ như ông Biden đang học tập phương pháp của người tiền nhiệm, nhưng hiệu quả của chiến lược này có thực sự phát huy hiệu quả như thời điểm 28 năm trước hay không vẫn là một câu hỏi khó trả lời.
Những thách thức đang chờ đợi ông Biden
Ông Biden đang phải đối mặt với những thách thức lớn, dù đã có những thay đổi trong chiến lược tranh cử. Trong vấn đề biên giới, hạn chế yêu cầu tị nạn ở biên giới đồng nghĩa với việc từ chối những người đang chạy trốn bạo lực và áp bức vì lợi ích chính trị cận biên. Tương tự như vậy, việc áp thuế nhằm chống lại “các hoạt động kinh tế không công bằng và dư thừa công suất công nghiệp” của Trung Quốc theo tuyên bố của Tổng thống Mỹ hồi tháng 4 có thể bị mở màn một cuộc cạnh tranh kinh tế lớn giữa hai quốc gia.
Tổng thống Mỹ cũng nên cân nhắc về khả năng làm mất lòng các đảng viên đảng Dân chủ, khi phương thức tranh cử của ông có vẻ như đang đi lệch khỏi quỹ đạo truyền thống. Theo khảo sát mới đây của Trung tâm nghiên cứu các vấn đề cộng đồng (NORC) và hãng tin AP, số đảng viên Đảng Dân chủ muốn ông Biden tìm kiếm nhiệm kỳ thứ hai đã giảm từ 52% trong năm ngoái xuống còn 37% vào năm nay.
Một số đảng viên Dân chủ cũng lo ngại về phương thức truyền thông kém hiệu quả của ông Biden đang khiến các cử tri không biết đến các thành tựu của Tổng thống trong suốt nhiệm kỳ. "Chính quyền ông Biden đã hoàn thành nhiều công việc, nhưng tôi nghĩ vẫn còn một số lo ngại về cách thức quảng bá những thành tựu đó và ai sẽ quảng bá chúng", Nghị sĩ Dân chủ Bennie Thompson cho biết.
Làm thế nào để tập hợp một liên minh chiến thắng trong cuộc đua tổng thống vẫn luôn là một bài toán khó dành cho các ứng viên. Trước tình hình hiện nay, thay đổi cách thức xử lý vấn đề theo hướng cứng rắn có nhiều khả năng khiến ông Biden đánh mất sự ủng hộ từ các đảng viên Đảng Dân chủ hơn là giành thêm phiếu bầu của những cử tri quyết định lựa chọn đối thủ Trump.
Theo Diệp Thảo (Vov.vn)