Những thách thức pháp lý Trump phải đối mặt năm 2019

01/01/2019 08:29:59

Tổng thống Mỹ vướng vào nhiều vụ điều tra và kiện cáo, trong khi nỗ lực xóa bỏ Obamacare và xây tường ở biên giới vẫn lâm vào bế tắc.

Những thách thức pháp lý Trump phải đối mặt năm 2019
Tổng thống Mỹ Trump tại Nhà Trắng tháng 3/2017.

"Nếu bạn thích các chương trình về pháp lý, tội phạm và âm mưu trên TV, hãy theo dõi tin tức về Trump trên báo chí hàng ngày", Larry Beinhart, cây bút trên Aljazeera, viết.

Bước vào năm 2019, một loạt cuộc điều tra và kiện cáo đang nhắm vào Tổng thống Mỹ Donald Trump, các con của ông và tập đoàn Trump với các cáo buộc như vi phạm quy định chiến dịch tranh cử, gian lận thuế, gian lận thương mại, vi phạm điều khoản về quà tặng từ nước ngoài hay cản trở công lý.

Chúng đến từ nhiều hướng như công tố viên đặc biệt Robert Mueller, tổng chưởng lý của bang New York, Maryland và Washington, cơ quan phụ trách tài chính và thuế của bang New York, những khách hàng của các doanh nghiệp được gia đình Trump hỗ trợ hay một sao khiêu dâm và một người mẫu Playboy.

Trong hai năm qua, phe Cộng hòa kiểm soát lưỡng viện Mỹ đã ngăn chặn mọi cuộc điều tra thực sự về Trump tại quốc hội. Tuy nhiên, từ tháng 1/2019, phe Dân chủ sẽ giành lại quyền kiểm soát hạ viện. Adam Schiff, người sẽ đứng đầu Ủy ban Tình báo Hạ viện đã nói rằng: "Tất cả những lập luận mà Bộ Tư pháp đưa ra về Michael Cohen - rằng những người giàu có và quyền lực không nên được áp dụng quy tắc khác với những người bình thường - cũng cần đúng với Tổng thống Mỹ.

Đối thủ tiềm tàng của Trump trong năm 2019 là công tố viên đặc biệt Robert Mueller, người dẫn đầu cuộc điều tra về cáo buộc chiến dịch của Trump thông đồng với Nga trong cuộc bầu cử năm 2016. Truyền thông Mỹ cho rằng Mueller có thể đang chuẩn bị cho những tiết lộ lớn trong khi Trump liên tục chỉ trích cuộc điều tra là "săn phù thủy".

Ngày 12/12, cựu luật sư lâu năm Michael Cohen của ông bị kết án ba năm tù. Trong số các cáo buộc có việc trả tiền "bịt miệng" cho một nữ diễn viên khiêu dâm và người mẫu Playboy nói rằng họ từng ngoại tình với Trump. Các công tố viên mô tả những khoản thanh toán này là đóng góp chiến dịch bất hợp pháp nhằm tác động đến cuộc bầu cử. Cohen cảnh báo còn nhiều điều để phanh phui về ông chủ cũ.

Theo quan điểm pháp lý phổ biến hiện nay, tổng thống đương nhiệm không thể bị truy tố. Tuy nhiên, cuộc tranh luận về vấn đề này có thể nóng lên sau khi phe Dân chủ kiểm soát hạ viện.

Một nguy cơ mà truyền thông Mỹ hay nhắc tới là Trump bị quốc hội luận tội. Tuy nhiên, một quyết định luận tội tổng thống cần được thượng viện thông qua với tỷ lệ 2/3, điều khó xảy ra khi phe Cộng hòa vẫn kiểm soát thượng viện Mỹ.

Dù Trump đã nắm quyền hai năm, ông vẫn chưa thể xóa bỏ Obamacare, điều ông từng cam kết trong chiến dịch tranh cử. Obamacare, hay Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền, là chương trình y tế do cựu tổng thống Barack Obama đề xuất và được thông qua năm 2010, nhằm giúp hàng triệu người dân Mỹ có bảo hiểm y tế. Phe Cộng hòa chỉ trích chương trình này vượt quá khả năng tài chính của chính phủ và làm tăng chi phí y tế.

Nhiều nghị sĩ Cộng hòa trong năm 2019 sẽ tiếp tục tấn công Obamacare, nhưng việc xóa bỏ đạo luật này càng khó khăn khi họ chỉ chiếm thiểu số ở hạ viện. Trong khi đó, phe Dân chủ, đặc biệt là những người có tham vọng tranh cử vào năm 2020, sẽ cố gắng mở rộng và cải thiện chương trình, Beinhart dự đoán.

Một lời hứa khác trong chiến dịch tranh cử mà Trump vẫn chưa thực hiện được là xây dựng bức tường ở biên giới với Mexico. Từ ngày 22/12, chính phủ Mỹ đã đóng cửa vì quốc hội không thông qua dự chi bao gồm ngân sách 5 tỷ USD cho bức tường.

Dù đối mặt sự cương quyết của phe Dân chủ, Trump vẫn không chịu lùi bước và đe dọa đóng hoàn toàn biên giới với Mexico nếu ngân sách xây tường không được thông qua. Các thượng nghị sĩ Mỹ sẽ bỏ phiếu dự luật ngân sách vào ngày 2/1.

Khó khăn trong việc phê duyệt ngân sách xây tường đã khiến ngay cả một số người ủng hộ Trump nản lòng. Nhà báo cánh hữu Ann Coulter, tác giả một cuốn sách ca ngợi Trump, dự đoán ông sẽ không chiến thắng nếu tái tranh cử năm 2020.

"Nếu không có bức tường, ông sẽ chỉ được nhớ đến như một nhân vật hoạt hình từng khiến đám đông thích thú hay giận dữ trong thời gian ngắn", bà viết.

Trong khi đó, nhiều người trung thành với Trump không thất vọng về Tổng thống mà cố gắng giúp ông đạt được mục tiêu. Brian Kolfage, cựu binh từng tham chiến tại Iraq, đã mở chiến dịch gây quỹ để xây tường biên giới. Ông cho rằng nếu 63 triệu cử tri từng bầu cho Trump ủng hộ 80 USD mỗi người thì ông sẽ có đủ 5 tỷ USD để xây tường. Sau khi được khởi xướng ngày 16/12, chiến dịch của Kolfage đã được ủng hộ hơn 18 triệu USD.

Theo Bộ Tài chính Mỹ, người dân có thể gửi số tiền xây tường này dưới dạng "quà tặng cho Mỹ" nhưng không rõ Bộ An ninh Nội địa có thể chấp nhận quà tặng hay không. Hơn nữa, tiền chỉ có thể đi vào một quỹ chung được Quốc hội phân bổ.

Dù vậy, Kolfage vẫn rất quyết tâm. "Giống như đa số công dân Mỹ đã bỏ phiếu cho Tổng thống Donald Trump, chúng tôi bầu cho ông ấy để khiến nước Mỹ hùng mạnh trở lại. Lời hứa chính trong chiến dịch của Trump là xây bức tường. Dù ông ấy đã cố gắng thực hiện mọi lời hứa khác, dự án tường này vẫn cần được hoàn thành", cựu binh này viết.

Theo Phương Vũ (VnExpress.net)