Air Force One có lẽ chính là chiếc máy bay nổi tiếng nhất thế giới vì nó gắn liền với những chuyến công du nước ngoài của tổng thống Mỹ.
Nhưng trên thực tế, có hàng nghìn nhân sự và thiết bị được điều động để phục vụ một chuyến công du nước ngoài của người đứng đầu Nhà Trắng. Trong số này còn có cả những chiếc máy bay nhỏ hơn, ít được biết đến hơn nhưng chúng luôn được đặt trong trạng thái sẵn sàng.
Air Force Two C-32A (Boeing 757)
Bên cạnh Air Force One, vốn được thiết kế lại từ nền tảng chiếc máy bay thương mại cỡ lớn 747 của hãng Boeing, tổng thống Mỹ có thể sử dụng một chiếc máy bay nhỏ hơn một nửa đó là Boeing 757, hay còn được gọi là Air Force Two. Những chiếc Air Force Two thường có nhiệm vụ vận chuyển phó tổng thống hoặc phu nhân tổng thống và các thành viên quốc hộinhưng đôi khi nó cũng được huy động để phục vụ tổng thống trong những quãng đường ngắn hơn.
Tờ New York Times cho rằng ông Trump thường xuyên sử dụng chiếc Air Force Two để di chuyển từ Nhà Trắng tới những khu nghỉ dưỡng của mình vào cuối tuần, ví dụ như để tới Trump National Golf Club ở Bedminster, New Jersey.
Có tổng cộng 4 chiếc Boeing 757 đang được sử dụng để phục vụ chính phủ, mỗi chiếc trong số này đều bao gồm một trung tâm liên lạc và được chia thành 3 khu vực: phòng khánh tiết, khu hội thảo và khu chỗ ngồi có thể chứa 32 hành khách.
E-4B Nightwatch (phiên bản quân sự hóa của Boeing 747-200)
Trong biên chế không quân Mỹ hiện có 4 chiếc Boeing 747 được thiết kế đặc biệt, với tên gọi E-4B Nightwatch. Những chiếc máy bay này có thể được sử dụng như những trung tâm tác chiến quốc gia trên không, nơi tổng thống và các quan chức hàng đầu của Bộ Quốc phòng có thể chỉ huy quân đội trong trường hợp nước Mỹ bị tấn công hạt nhân.
Không giống như hai chiếc Air Force One vốn được thiết kế đề cao sự tiện nghi và thoải mái, những chiếc E-4B Nightwatch thực chất là những phòng chiến tranh di động, với sự túc trực của những cố vấn quân sự, chuyên gia phân tích chiến lược và phụ tá thông tin liên lạc.
Cũng giống như Air Force One, những chiếc E-4B có thể được tiếp nhiên liệu trên không và chúng còn có những phụ kiện đặc biệt. Trong số này có một chiếc ăng-ten dây dài 5 dặm, sẽ được máy bay kéo theo để giữ liên lạc với các tàu ngầm dưới biển trong trường hợp hệ thống liên lạc trên đất liền hoàn toàn bị phá hủy.
Cho đến những ngày cuối cùng của Chiến tranh Lạnh, những chiếc E-4B luôn túc trực tại Căn cứ Không quân Andrews, sẵn sàng phục vụ trong vòng 15 phút. Hiện tại, những chiếc máy bay này được đỗ tại Căn cứ Không quân Offutt ở bang Nebraska.
Những chiếc Gulfstream
Một ngày trước khi Tổng thống Barack Obama tới Đức vào tháng 6/2009, một chiếc máy bay Gulfstream III màu trắng hạ cánh tại sân bay Stuttgart. Cũng giống như những chuyến đi khác của người đứng đầu Nhà Trắng, công tác chuẩn bị được thực hiện từ hàng tháng trước đó, và những máy bay quân sự Mỹ liên tục vận chuyển hàng hóa đến sân bay Dresden.
Thoạt tiên, những hoạt động chuẩn bị này có vẻ không liên quan đến việc chiếc máy bay màu trắng trị giá 40 triệu USD hạ cánh xuống Stuttgart, cách Dresden một giờ bay. Chiếc Gulfstream không có gì nổi bật bên cạnh những chiếc máy bay xa xỉ khác, lấp đầy nhiều sân bay lớn trên thế giới. Nhưng dù nó không có vai trò rõ ràng, phi hành đoàn luôn sẵn sàng chuẩn bị.
Chiếc Gulfstream chỉ ở Đức trong một ngày và sau đó nhanh chóng cất cánh trong khoảng thời gian tổng thống rời Đức tới Pháp để thực hiện chặng tiếp theo của chuyến công du. Khi chiếc Air Force One chở ông Obama tới thành phố Caen, chiếc Gulfstream bay qua eo biển Anh để hạ cánh xuống Căn cứ Không quân Mildenhall, nơi chỉ cách một giờ bay tới bãi biển Normandy, nơi ông Obama tham dự lễ kỷ niệm ngày đổ bộ.
Sau đó, chiếc Gulfstream quay trở lại Căn cứ Không quân Andrews ở bang Maryland. Mọi thứ không có gì đặc biệt cho đến khi người ta chú ý đến con số ở đuôi máy bay, 60403, và phát hiện ra bí mật của nó.
Đây chính là chiếc máy bang mang mã số 86-0403 của Không quân Mỹ, một trong ba chiếc Gulfstream đặc biệt có nhiệm vụ đưa đón tổng thống trong trường hợp khẩn cấp, và di chuyển các thành viên của Cơ quan Chỉ huy Quốc gia, bao gồm các quan chức có thẩm quyền phóng tên lửa hạt nhân.
Những chiếc máy bay này không tồn tại một cách chính thức, nhưng từ lâu chúng đã lặng lẽ đi cùng tổng thống trong mọi chuyến công du nước ngoài, bay song song với lịch trình của Air Force One và hạ cánh tại những sân bay gần với sân bay mà tổng thống đặt chân, nhưng không bao giờ đỗ cùng sân bay với chiếc Air Force One.
Trang web của Không quân Mỹ không đề cập tới sự tồn tại của những chiếc Gulfstream này nhưng đơn vị không vận số 89, vốn đặc trách nhiệm vụ vận chuyển tổng thống, từng chia sẻ hình ảnh về những chiếc Gulfstream đã qua thời hạn sử dụng. Chúng được bổ sung vào phi đội từ năm 1985 khi chính quyền ông Ronald Reagan đẩy mạnh việc đầu tư vào khả năng tiếp tục tồn tại và làm việc của chính phủ Mỹ trong trường hợp bị tấn công hạt nhân.
Theo Quốc Thăng (Tri Thức Trực Tuyến)