Việc đóng thành công khinh hạm SIGMA 10514 cho thấy nền công nghiệp quốc phòng của Indonesia đã vươn lên tầm cỡ thế giới.
Những thành tựu trên nhờ chiến lược mượn sức mạnh công nghệ nước ngoài được chính phủ quốc gia vạn đảo thực hiện nhất quán từ hàng chục năm qua, dẫn tới việc họ đã tự sản xuất thành công nhiều chủng loại vũ khí quan trọng cho quân đội cũng như xuất khẩu ra nước ngoài.
Vũ khí, khí tài, trang thiết bị quân sự do Indonesia sản xuất từ súng bộ binh, xe thiết giáp, phi cơ hay tàu chiến đều nhận được phản hồi tích cực từ các đối tác. Một bằng chứng rõ ràng là Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tin tưởng đặt mua máy bay tuần tra NC-212i để trang bị cho lực lượng Cảnh sát biển.
Dự án hợp tác sản xuất máy bay với Tập đoàn Airbus là một thành công lớn của Indonesia |
Do cùng nằm trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, có sự thống nhất cao nhiều quan điểm liên quan đến tình hình khu vực cũng như thế giới, triển vọng hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Indonesia được dự báo sẽ còn phát triển hơn nữa trong tương lai.
Nhìn lại quá khứ, trước khi hợp đồng NC-212i được ký kết, phía bạn từng chào hàng Việt Nam máy bay vận tải CN-235 hay tàu đổ bộ cỡ lớn.
Các phương tiện trên đã bị từ chối do không thực sự phù hợp với điều kiện của chúng ta. Tuy vậy có một thứ mà nhiều khả năng Việt Nam sẽ đồng ý ngay nếu nhận được lời đề nghị tương tự, đó là tàu hộ vệ tên lửa lớp SIGMA.
Tàu hộ vệ tên lửa SIGMA 10514 do Indonesia tự đóng đang chạy thử nghiệm trên biển |
Mới đây nhà máy đóng tàu PT PAL của Indonesia phối hợp với hãng đóng tàu Damen của Hà Lan đã cho chạy thử nghiệm chiếc khinh hạm SIGMA 10514 đầu tiên được hoàn thành theo chương trình hợp tác song phương.
Như vậy trong khi dự án SIGMA 9814 của Việt Nam vẫn trong tình trạng bị treo thì chúng ta không thể không khâm phục nỗ lực của phía bạn. Tuy nhiên bên cạnh sự ngưỡng mộ thì có lẽ Việt Nam đã tìm thấy lối thoát cho chương trình SIGMA của mình.
Một trong những trở ngại cốt yếu dẫn tới chậm trễ tiến độ hợp đồng được cho là do khó khăn trong việc thử nghiệm các hệ thống tích hợp, bởi vì Damen đơn thuần là một một cơ sở tư nhân vốn chỉ chịu trách nhiệm cho phần khung vỏ của con tàu, trong khi vũ khí đi kèm SIGMA lại có nguồn gốc "liên hợp quốc".
Nhưng với việc Indonesia đã hoàn thiện chiếc SIGMA 10514 nội địa cùng toàn bộ tổ hợp tác chiến, Việt Nam đã có địa chỉ tin cậy để "chọn mặt gửi vàng". Nếu nhận hợp đồng đóng tàu cho Việt Nam, PT PAL hoàn toàn đủ năng lực "bao tiêu trọn gói" từ khung vỏ cho tới vũ khí trang bị do đã có kinh nghiệm thực tiễn.
Đối tác Damen chắc chắn cũng sẽ ủng hộ chương trình này, chiếc chiến hạm trên dù cho thi công tại Hà Lan hay Indonesia thì cũng mang lại lợi ích cho họ, tương tự như các hợp đồng đóng tàu tại nhà máy của Sông Thu để xuất khẩu tới một nước thứ ba.
Bởi vậy, viễn cảnh Việt Nam đặt hàng Indonesia chế tạo khinh hạm SIGMA 9814 hay thậm chí phiên bản SIGMA 10514 là hoàn toàn có thể xảy ra. Đây sẽ là sự hợp tác mang lại lợi ích cho cả hai bên, rất đáng trông đợi sớm trở thành hiện thực.