Nơi cung cấp những tàu hộ vệ tên lửa hiện đại Gepard cho HQVN
Nhà máy đóng tàu Zelonodolsk mang tên A.M. Gorky nằm ở nước Cộng hòa Tartastan (Liên bang Nga) là một trong những cơ sở đóng tàu lâu đời với bề dày truyền thống hơn 120 năm (thành lập năm 1895), có kinh nghiệm và trình độ công nghệ hàng đầu của Liên Xô trước đây, nay là Nga.
Trong suốt chiều dài lịch sử, Nhà máy đã đạt được rất nhiều thành tựu đáng tự hào:
- Góp công rất lớn vào danh hiệu "Ngựa đầu đàn" của lớp tàu săn ngầm cỡ nhỏ Albatros thuộc Hạm đội Hải quân Liên Xô mà Đô đốc Sergey Sergeevich Gorshkov Gorshkov đặc biệt giành tặng. Nhà máy đã đóng thành công tới 44 chiếc tàu thuộc dự án này và các biến thể của nó (trong tổng số 92 chiếc).
Các tàu săn ngầm thuộc dự án Albatros rất nổi tiếng và là một trong những lớp tàu được chế tạo với quy mô lớn nhất thời Liên bang Xô Viết.
- Xây dựng thành công cầu Thiên niên kỷ cao nhất bắc ngang dòng sông Kazanka ở TP. Kazan thuộc nước CH Tartastan nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm thành lập thành phố này. Cây cầu có khả năng đảm bảo lưu lượng xe tới 15.000 lượt/ngày đã được xây dựng trong một thời gian ngắn kỷ lục, chỉ vọn vẹn 8 tháng với tổng chiều dài 1.524m.
Trên hết, gần đây, không chỉ là một trong những cơ sở đóng tàu đặc biệt quan trọng đối với Hải quân Nga, với các sản phẩm như tàu hộ tống cỡ nhỏ thuộc Dự án 21631 Buyan-M hay tàu tuần tiễu thuộc Dự án 22160, còn là nơi cung cấp những con tàu hộ vệ tên lửa hiện đại thuộc lớp Gepard-3.9 cho Hải quân Việt Nam.
Chiếc tàu hộ vệ tên lửa Gepard-3.9 thứ 4 và cũng là chiếc cuối cùng trong cặp tàu thứ 2 của Hải quân Việt Nam cũng vừa mới được Zelonodolsk bàn giao an toàn cách đây ít hôm tại quân cảng Cam Ranh sau chuyến hải trình từ Nga về dài gần 1 tháng rưỡi.
Hiện nay đơn đặt hàng các tàu chiến cỡ nhỏ dành cho Hải quân Nga mà Nhà máy Đóng tàu Zelenodolsk được giao nhiệm vụ thi công còn rất dài, ít nhất là hơn 10 chiếc (6 chiếc Dự án 22160 và 5 chiếc Dự án 21631 Buyan-M) và có thể là cả cặp tàu Gepard-3.9 thứ 3 (chiếc thứ 5 và 6) của Việt Nam dự kiến đặt mua cũng sẽ tiếp tục được đóng ở đây.
Nhà máy đóng tàu Zelonodolsk mang gì sang Việt Nam đầu năm 2018?
Với kỳ vọng lớn ở thị trường Việt Nam, tại Triển lãm Vietship 2018 diễn ra từ 24-26/01/2018, Nhà máy đóng tàu Zelonodolsk tiếp tục tham gia với 1 gian hàng nhằm giới thiệu năng lực và những sản phẩm mới nhất của mình để tìm kiếm những hợp đồng mới.
Theo quan sát của chúng tôi thì vị trí và diện tích mà Zelonodolsk lựa chọn không khác gì so với triển lãm lần trước (Vietship 2016) và những loại tàu mà họ giới thiệu tập trung vào mảng thương mại/dân sự là chủ yếu.
Trong đó, nổi bật nhất chính là mẫu tàu tốc độ nhanh chở khách/chờ hàng 3 thân rất đặc biệt với chiều dài 72,3m, rộng 35m, lượng choán nước tiêu chuẩn 800 tấn có sức chở 200 hành khách hoặc 30 tấn hàng hóa (chứa trong 2 container hàng hải tiêu chuẩn 20 feet), tốc độ tối đa 25 hải lý/h. Kíp thủy thủ gọn nhẹ, không quá 10 người.
Bên cạnh đó, Zelonodolsk còn giới thiệu các mẫu tàu chở khách cao tốc với sức chứa trên 100 hành khách, tốc độ tối đa tới 60 hải lý/h (gần 110km/h) cùng một số mẫu tàu chở khách hiện đại khác.
Việc Zelonodolsk không đưa các mẫu tàu chiến như Dự án 1161.1 Gepard-3.9 hay Dự án 21631 Buyan-M sang giới thiệu ở Việt Nam cũng là điều dễ hiểu, bởi nhiều khả năng những lớp tàu chiến hiện đại này đã được giới thiệu với Hải quân Việt Nam từ trước đó cho nên không cần thiết phải xuất hiện thêm một lần nữa.
Và mục đích chính của Zelonodolsk trong lần tham dự triển lãm này là tìm kiếm các hợp đồng đóng tàu thương mại/dân sự vì trên thực tế, ngoài các hợp đồng đóng tàu quân sự, Zelonodolsk có sống còn và phát triển mạnh mẽ hay không chính là nhờ các hợp đồng đóng tàu thương mại. Đây mới là nguồn sống chính của họ.
Tất nhiên, đâu đó vẫn có những người yêu quân sự Việt Nam mong chờ để được tận mắt thấy chiến hạm hiện đại (như lớp Buyan-M) của Hải quân Nga, loại đã khiến cả thế giới kinh ngạc khi liên tiếp nã tên lửa hành trình Kalibr tầm xa, đánh chính xác san phẳng, hủy diệt các mục tiêu của khủng bố ở Syria, dù chỉ là ở dạng mô hình.
Theo Bình Nguyên (Soha/Thời Đại)