Theo tuyên bố của Tập đoàn Rosoboronexport ngày 21/12, Nga đã hoàn thành việc cung cấp cho Việt Nam bốn tàu hộ vệ thuộc dự án 11.661 Gepard-3.9. "Sản phẩm này đã được chuyển giao thành công đến khách hàng nước ngoài", thông cáo báo chí nhân trao giải thưởng quốc gia "Ý tưởng Vàng" lần thứ 17 của Nga cho biết.
Hợp đồng Gepard đã hoàn thành, tuy nhiên theo chuyên gia Nga, Hải quân Việt nam sẽ vẫn tiếp tục mua chiến hạm Nga với sự tăng cường về sức mạnh phòng không nhưng đó không phải là Gepard.
Theo Viktor Murakhovsky, chuyên gia quân sự hàng đầu của Nga, hải quân nước này có hàng loạt lớp tàu nổi được trang bị hệ thống tên lửa hành trình Kalibr-NK như tàu hộ vệ hạng nặng Project 22350 lớp Đô đốc Gorshkov; tàu hộ vệ hạng nặng Project 11356Р/М, lớp Đô đốc Grigorovich…; các tàu này còn có thêm khả năng phòng không rất mạnh.
Tuy nhiên, đây là các chiến hạm hạng nặng với lượng giãn nước khoảng 4000 tấn, có phạm vi hành trình lớn, phù hợp với những hoạt động tác chiến ở những vùng biển xa bờ, mà điều này đối với Việt Nam là không cần thiết.
Nếu chỉ cần chức năng chống hạm/tấn công mặt đất thì Nga có tới 2 lớp tàu còn có lượng giãn nước nhỏ hơn Gepard 3.9 nhưng cũng có khả năng tấn công tương tự, đó là lớp Buyan-M (949 tấn) và lớp Karakurt (800 tấn). Các tàu này đều có khả năng mang được tới 8 quả tên lửa Kalibr.
Còn với các tàu có lượng giãn nước thấp hơn một chút và tương đương Gepard thì Việt Nam có 3 lựa chọn tối ưu hơn rất nhiều, đó là tàu hộ vệ Project 20380 lớp Steregushchiy; tàu hộ vệ Project 22160 (3 cấu hình 1300 tấn, 1500 và 1800 tấn) và tàu hộ vệ Project 20385 lớp Gremyashchy.
Với tàu Project 22160, ngoài 8 tên lửa Kalibr, các còn được trang bị hệ thống phòng không tầm trung đa kênh Shtil-1, có tầm phóng 50km, phóng từ hệ thống phóng thẳng đứng hiện đại thế hệ mới VLS 3S90E.
Tàu hộ vệ Project 20380 lớp Steregushchiy mặc dù cũng có lượng giãn nước 2200 tấn và cùng được trang bị tên lửa hành trình chống hạm Kh-35UE, nhưng ưu điểm nổi bật của nó so với Gepard 3.9 là ở hệ thống phòng không Polyment-Redut (được đặt theo tên lửa Redut và radar Polyment).
Các tên lửa được bố trí trong 2 cụm 8 ống phóng thẳng đứng ở đuôi tàu. Trong mỗi ống phóng có thể bố trí 1 tên lửa tầm trung М96Е (40-50km) hay tầm xa 9М96Е2 (120-150km), hay tầm ngắn 9М100 (10-15km), cung cấp cho Việt Nam khả năng phòng không hạm đội đa tầng, trong một khu vực biển rất rộng.
Còn tàu Project 20385 lớp Gremyashchy là sự lựa chọn hoàn hảo nhất bởi nó có lượng giãn nước tương đương Gepard là 2.200 tấn nhưng được trang bị 8 quả tên lửa hành trình chống hạm P-800 Oniks (Onyx) hoặc Kalib-NK, cùng với hệ thống phòng không Polyment-Redut.
Ngoài ra, các tàu Project 20380/20385 còn có khả năng chống ngầm rất mạnh với trực thăng săn ngầm Ka-27, hệ thống sonar kiểu mảng kéo ở phía đuôi tàu có thể phát hiện những tàu ngầm chạy êm nhất cỡ như Kilo của Nga và 8 ống phóng ngư lôi 330m.
Với hệ thống vũ khí phòng không và chống hạm, đối đất, chống ngầm như vậy, các tàu hộ vệ thuộc Project 20385 được đánh giá là là những tàu chiến mặt nước cỡ 2.000 tấn có hỏa lực mạnh và toàn diện nhất thế giới, tương đương với các khu trục hạm của châu Âu có lượng giãn nước gấp gần 4 lần.
Viktor Murakhovsky cho rằng, rất có thể đây sẽ là thế hệ tàu chiến tiếp theo của Nga được Hải quân Việt Nam mua sắm.
Theo Đan Nguyên (Đất Việt)