Clip tàu ngầm Kilo Việt Nam lần đầu khai hỏa
Từ thông lệ quốc tế...
Hải quân nhiều cường quốc trên thế giới cũng như các quốc gia trong khu vực đều có thông lệ đặt tên cho các tàu sân bay, tàu chiến mặt nước, tàu ngầm cỡ lớn của mình. Không chỉ vậy, nhiều nước còn đặt tên cả cho các tàu hỗ trợ như tàu đổ bộ, tàu vận tải, tàu cứu hộ hay tàu quân y,...
Bên cạnh số hiệu (phổ biến là 3 chữ số), mỗi cái tên được lựa chọn đều mang ý nghĩa nhất định và thường thì tên các vị vua, hoàng đế, tổng thống, danh tướng lẫy lừng hay các địa danh (tỉnh, thành phố), danh nhân nổi tiếng sẽ được ưu tiên hàng đầu.
Mỗi con tàu sẽ phải lấy đó làm niềm tự hào và phải có trách nhiệm làm rạng danh cái tên mà minh vinh dự được mang tên.
Gần đây, trên thế giới có một số con tàu liên tục được truyền thông nhắc tên, có thể kể đến tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov duy nhất của Nga với chuyến tham chiến dữ dội ở Syria hay 3 tàu sân bay Mỹ gồm USS Nimitz, USS Ronald Reagan và USS Theodore Roosevelt cùng lúc áp sát Triều Tiên.
Ngoài ra, tàu ngầm Kilo mang tên "Veliky Novgorod" của Nga cũng làm nên chuyện lớn khi phóng thành công tên lửa hành trình Kalibr tiêu diệt nhiều mục tiêu khủng bố của IS ở Syria.
... đến sự lớn mạnh của Hải quân Việt Nam
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, với định hướng tiến thẳng lên hiện đại, Hải quân Việt Nam (HQVN) liên tiếp được đầu tư, trang bị nhiều tàu chiến, tàu ngầm hiện đại và những con tàu này đã được vinh dự đặt tên những danh nhân, danh tướng lẫy lừng cùng một số tỉnh thành lớn của Việt Nam. Dưới đây là một số tàu nổi bật nhất:
6 tàu ngầm Kilo-636.1: gồm tàu số hiệu 182 mang tên Hà Nội về đến Việt Nam ngày 31/12/2013; 183 mang tên TP. Hồ Chí Minh (tháng 3/2014), 184 Hải Phòng (28/1/2015), 185 Khánh Hòa (tháng 6/2015), 186 Đà Nẵng (tháng 2/2016) và cuối cùng là 187 Bà Rịa - Vũng Tàu (20/01/2017).
Đây là những tỉnh thành phố lớn bậc nhất cả nước và đều phát triển hết sức năng động, do vậy, mỗi kíp tàu ngầm Kilo đều nhận thức sâu sắc về vinh dự và trọng trách của mình, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân của các địa phương mà mình mang tên giao phó.
Tại Lễ thượng cờ cho hai tàu ngầm 186 Đà Nẵng và 187 Bà Rịa-Vũng Tàu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sự quan tâm đặc biệt và tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước về hiện đại hóa lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam, đưa HQVN tiến gần hơn với trình độ chung của hải quân các nước trong khu vực và thế giới.
Trước đó, vào ngày 31/12/2013, tàu ngầm Kilo đầu tiên về đến Việt Nam là 182 Hà Nội. Tiếp đến là các tàu 183 TP.HCM (tháng 3/2014), 184 Hải Phòng (28/1/2015), 185 Khánh Hòa (tháng 6/2015), 186 Đà Nẵng (tháng 2/2016) và 187 Bà Rịa - Vũng Tàu (20/01/2017).
3 tàu hộ vệ tên lửa Gepard: gồm tàu 011 mang tên Đinh Tiên Hoàng; 012 mang tên Lý Thái Tổ; 015 mang tên Trần Hưng Đạo. Đây là những vị vua, danh tướng nổi tiếng và có công dựng nước, giữ nước lớn nhất trong lịch sử Việt Nam.
- Đinh Tiên Hoàng (Đinh Bộ Lĩnh), là vị hoàng đế sáng lập triều đại nhà Đinh - nước Đại Cồ Việt. Ông đã dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn để trở thành hoàng đế đầu tiên của Việt Nam sau 1.000 năm Bắc thuộc.
Đại Cồ Việt là nhà nước mở đầu cho thời đại độc lập, tự chủ, xây dựng chế độ quân chủ tập quyền ở Việt Nam.
- Lý Thái Tổ (Thái Tổ Thần Vũ hoàng đế) là vị Hoàng đế sáng lập nhà Lý, trị vì từ năm 1009 đến khi qua đời vào năm 1028.
Ông có công lớn trong việc đánh dẹp phản loạn và đặc biệt là quyết định dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Đại La (1010), sau này được đổi tên thành Thăng Long - Hà Nội, mở đầu cho sự phát triển của nhà Lý với hơn 200 năm tồn tại.
- Trần Hưng Đạo (1232 - 1300), là một nhà chính trị- quân sự kiệt xuất và nhà văn nổi tiếng thời Trần. Chiến công 3 lần đánh bại quân Nguyên Mông đã đưa ông vào hàng đại danh nhân của lịch sử Việt Nam.
Chắc chắn, trong ít ngày tới, khi con tàu hộ vệ tên lửa Gepard thứ 4 của HQVN về nước, nó cũng sẽ được chính thức đặt tên để song hành cùng tàu 015 Trần Hưng Đạo trong lễ thượng cờ trang trọng.
Tàu nghiên cứu biển Giáo sư - Viện sĩ Trần Đại Nghĩa số hiệu 888: Được đánh giá là một trong những tàu khảo sát thăm dò màu 3D hiện đại nhất Đông Nam Á hiện nay.
Tàu dài 66,3 m, rộng 13,2 m, chiều cao mạn 6,5 m, mớn nước 4 m, lượng giãn nước 1.550 tấn, có thể xoay trở dễ dàng ngay cả trong vùng nước hẹp, sức chịu sóng gió trên cấp 12.
Tàu vận tải Trường Sa số hiệu 571: tàu thuộc lớp K122, là loại tàu chở khách hiện đại và lớn nhất hiện nay của Quân chủng Hải quân do Việt Nam tự thiết kế và thi công.
Tàu Trường Sa có nhiệm vụ vận chuyển binh lính, vũ khí và trang bị cá nhân ra các vị trí ngoài biển; đưa đón khách tham quan du lịch quần đảo Trường Sa của Việt Nam; thay quân giữa các đảo và đất liền; bổ sung lực lượng hoặc chở các đoàn ra các đảo thuộc lãnh hải Việt Nam làm nhiệm vụ.
Tàu bệnh viện Khánh Hòa-01 số hiệu 561: Đây là tàu bệnh viện hiện đại, do Việt Nam tự thiết kế và thi công với bố trí hợp lý với hệ thống trang thiết bị y tế tiên tiến nhất. Tàu có chiều dài 70,62m, rộng 13,22m, lượng giãn nước khi đầy tải 2.068 tấn.
Tàu được sử dụng để khám sức khỏe, thu dung, cấp cứu, điều trị thương binh, bệnh binh cho các đơn vị hoạt động trên biển, đảo và vận chuyển người bệnh lên bệnh viện tuyến trên. Tàu còn dùng để tiếp tế lương thực, thực phẩm và thực hiện các nhiệm vụ khác khi được giao
Tàu buồm huấn luyện Lê Quý Đôn số hiệu 286: có chiều dài tổng thể 67 m (trong đó chiều dài phần thân tàu là 58,3 m); rộng 10 m; chiều cao mạn lớn nhất 5,75 m; mớn nước 3,6 m; lượng giãn nước đầy tải 857 tấn; thủy thủ đoàn gồm 30 người cùng 80 học viên.
Tàu được vinh dự mang tên Lê Quý Đôn (1726 - 1784) là vị quan thời Lê trung hưng, cũng là nhà thơ, và được mệnh danh là "nhà bác học lớn của Việt Nam trong thời phong kiến".
Trong tương lai, với sự lớn mạnh không ngừng của Hải quân Việt Nam, chúng ta tin chắc rằng còn có thêm nhiều con tàu hiện đại được đưa vào biên chế và sẽ vinh dự mang tên của những danh nhân, danh tiếng và địa phương nổi tiếng của Việt Nam.
Theo Bình Nguyên (Soha/Thời Đại)