Kế hoạch xây dựng nhà máy với lò phản ứng nổi của Trung Quốc đặt ra nhiều mối nguy cơ mất an toàn hạt nhân khi vận hành trên giàn khoan hay đảo nhân tạo trên biển. |
Mô phỏng nhà máy điện hạt nhân nổi của Trung Quốc. Ảnh: Twitter Nhân dân nhật báo |
Theo CNN, những nhà máy điện hạt nhân mini này sẽ được lắp trên các xà lan cỡ lớn và có thể kéo đến những vùng biển xa xôi, nơi không thể kết nối với mạng lưới điện địa phương như các giàn khoan, hay đảo nhân tạo trên biển, có thể bao gồm cả các đá bồi lấp phi pháp ở Biển Đông.
Bắc Kinh tạm dừng chương trình hạt nhân sau thảm họa Fukushima ở Nhật vào năm 2011. Trung Quốc từng cam kết theo đuổi chương trình năng lượng sạch từ gió, mặt trời và hạt nhân lớn nhất thế giới. Năm 2016, nước này chính thức hiện thực hóa kế hoạch hạt nhân đầy tham vọng trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13 được công bố hồi tháng 3.
Trung Quốc sẽ hoàn thành việc xây dựng 58 lò phản ứng hạt nhân đến năm 2020 và thêm một số lò phản ứng có công suất trên 100 Gigawatt vào năm 2030. Khi đó, Bắc Kinh sẽ trở thành nhà sản xuất điện hạt nhân lớn nhất thế giới.
Trong kế hoạch này, Trung Quốc sẽ xây dựng khoảng 20 nhà máy điện hạt nhân nổi. Những lò phản ứng nổi đặt ra nhiều câu hỏi về mục đích, hiệu quả kinh tế, đặc biệt là vấn đề an toàn.
Kế hoạch đầy tham vọng
Dự kiến nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên của Trung Quốc sẽ được xây dựng vào năm 2017, cung cấp điện từ năm 2020. Nhà máy đầu tiên sẽ được triển khai ở đảo Hải Nam, có thể sẽ phục vụ các đảo nhân tạo bồi lấp phi pháp trên Biển Đông.
Trung Quốc đang sử dụng các lò phản ứng nhỏ có công suất từ 50 đến 100 MW được thiết kế cho các ứng dụng như cung cấp hơi nước công nghiệp, khử muối, sưởi ấm và cung cấp điện năng. Các lò phản ứng sử dụng công nghệ áp lực nước, tương tự các lò phản ứng lớn nhưng đủ nhỏ để xây dựng với số lượng lớn và có thể có chi phí thấp.
Thiết kế nhà máy nổi của Trung Quốc sẽ có máy bơm làm mát lò phản ứng sẽ gắn bên ngoài, trong khi máy phát điện hơi nước và lõi của lò phản ứng nằm bên trong thân tàu.
Nguy cơ mất an toàn
Những nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển đặt ra nhiều câu hỏi về vấn đề đảm bảo an toàn. Các nhà thiết kế nhấn mạnh rằng, lò phản ứng nhỏ có mức độ an toàn cao hơn do mật độ năng lượng thấp cùng một số phương tiện hiện đại để loại bỏ lõi phản ứng khi tắt máy. Tuy nhiên, các tuyên bố trên chưa được kiểm chứng.
Những lò phản ứng hạt nhân xây dựng trên đất liền có một hệ thống đặc biệt để ngăn chặn rò rỉ phóng xạ trong trường hợp gặp sự cố. Các lò phản ứng lắp trên xà lan cũng có hệ thống tương tự nhưng các nhà khoa học vẫn hoài nghi khả năng đảm bảo an toàn khi chúng lênh đênh trên biển. Đối với các tàu hoạt động trên biển, có rất nhiều mối nguy hiểm rình rập nằm ngoài khả năng dự báo của con người như bão, sóng thần, đá ngầm, va chạm với tàu khác có thể nhấn chìm xà lan, gây rò rỉ phóng xạ.
|
Thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật là một hồi chuông cảnh báo về an toàn hạt nhân. Ảnh: Greenpeace |
Ngoài ra, việc bảo vệ các lò phản ứng di chuyển trên biển khó khăn hơn nhiều so với trên đất liền. Khủng bố, cướp biển, hay mất điện máy bơm làm mát là những mối nguy hiểm thực sự.
Bên cạnh đó, công tác bảo trì - chìa khóa để đảm bảo an toàn cho lò phản ứng cũng là thách thức khi đưa đến những vùng xa xôi. Đây là mối nguy hiểm mới so với những lò phản ứng nằm trên đất liền.
Mối nguy hiểm rõ ràng là việc bơm nước làm mát cho lò phản ứng trong trường hợp mất điện, sự cố này đã được ghi nhận trong thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản năm 2011.
Trong khi các nhà quản lý Trung Quốc có thể sử dụng các tiêu chuẩn an toàn hạt nhân tương tự những nơi khác trên thế giới. Tuy nhiên, quá trình của họ thường không đủ minh bạch với bên ngoài.
Theo Quốc Việt (Zing.vn)