Mới đây, một câu hỏi Toán học chỉ có vỏn vẹn 20 giây ở phần thi Về đích đã trở thành tâm điểm chú ý khi khiến cả 4 nhà leo núi phải "câm nín" và sau đó làm bùng nổ tranh luận trên các diễn đàn, mạng xã hội.
Cụ thể, trong cuộc thi tháng đầu tiên quý I của Olympia năm thứ 20, một bài toán tổ hợp đã được đưa ra với nội dung như sau:
"Đội dự tuyển cầu lông có 10 nữ, 7 nam, trong đó có hai tay vợt hàng đầu là Nguyễn Tiến Minh (nam) và Vũ Thị Trang (nữ). Người ta cần lập một đội tuyển cầu lông gồm 3 nữ và 4 nam đi thi đấu quốc tế từ đội tuyển nói trên. Hỏi có bao nhiêu cách lập sao cho trong đội tuyển có mặt chỉ một trong hai tay vợt danh tiếng này?"
Ngay sau khi đề bài xuất hiện, nhiều khán giả đã bày tỏ sự ngỡ ngàng trước độ dài và sự phức tạp của nó, đặc biệt là khi thí sinh chỉ có 20 giây để đọc, phân tích và tính toán. Kết quả thực tế cho thấy, không một thí sinh nào trong số 4 người đưa ra được đáp án chính xác.
Sau đó, MC Ngọc Huy đã công bố lời giải chi tiết: "Xét trường hợp chỉ có Minh, tức là chọn 3/6 nam và 3/9 nữ, suy ra có 1680 cách chọn. Ở trường hợp chỉ có Trang, tức là chọn 4/6 nam, 2/9 nữ, suy ra có 540 cách chọn. Như vậy, đáp án cuối cùng là 2220 cách".
Câu hỏi này nhanh chóng trở thành chủ đề nóng trên mạng xã hội và các diễn đàn học thuật. Theo Diễn đàn Toán học Việt Nam, lý do các thí sinh gặp khó có thể là do "chưa học tới" chuyên đề tổ hợp này trên lớp, bởi thời điểm ghi hình chương trình sớm hơn lịch học thông thường.
Trong khi đó, cộng đồng mạng cũng không ngừng bình luận, bày tỏ sự đồng cảm với thí sinh và tranh cãi về tính hợp lý của đề bài trong khuôn khổ gameshow:
"Một bài toán tổ hợp dài thế này mà chỉ có 20 giây suy nghĩ? Không phải học sinh không giỏi, mà là thời gian không công bằng."
"Câu hỏi hợp lý nếu thi học sinh giỏi cấp quốc gia, chứ trong một gameshow truyền hình thì hơi 'nặng đô' đấy!"
"Tôi mất 1 phút mới đọc hiểu hết đề, chưa nói đến tính toán. Thí sinh mới 11, 12 làm sao kịp!"
"Nếu chương trình muốn thử thách học sinh, nên điều chỉnh lại thời gian tương xứng với độ khó. Chứ thế này là đánh đố chứ không còn là kiểm tra kiến thức nữa."
Bài toán "20 giây" này đã thực sự làm dấy lên câu hỏi về sự cân bằng giữa độ khó của đề và áp lực thời gian trong các cuộc thi kiến thức trên truyền hình, thu hút sự quan tâm và tranh luận gay gắt từ công chúng.
PN (SHTT)