Theo Jiupai News, năm 2003, người phụ nữ họ Duyên (Yuan) đến từ tỉnh Hồ Nam, miền Trung Trung Quốc đã kết hôn với người chồng mang họ Diêu (Yao).
Cả hai sống với nhau đến tháng 5/2017 thì gia đình bắt đầu xảy ra những cuộc tranh cãi liên miên về những vấn đề nhỏ nhặt. Ban đầu chỉ là những lời qua tiếng lại giữa hai vợ chồng, nhưng sau đó dần xuất hiện những vụ ẩu đả bạo lực khi Diêu rất “hay sử dụng tay chân để nói chuyện với vợ”.
Nhiều lần, vì không chịu nổi những màn bạo hành của chồng, chị Duyên đã phải gọi điện nhờ đến sự can thiệp của cảnh sát.
Mặc dù vậy, tình hình không mấy cải thiện thậm chí càng trở nên tồi tệ hơn khiến người phụ nữ đi đến quyết định phải ly hôn với gã chồng vũ phu của mình..
Tuy nhiên, chỉ một năm sau khi ly hôn, chị Duyên lại quyết định tái hôn với Diêu vì cho “Con cái phải cần cả bố cả mẹ chăm sóc.”
Điều không may cho chị Duyên là bản chất của chồng chị vẫn không thay đổi khi Diêu vẫn liên tục sử dụng bạo lực với vợ, thậm chí sau này gã còn gây hấn với cả cha mẹ cô.
Để đảm bảo an toàn cho gia đình, chị Duyên quyết định tìm tới tòa án để xin được bảo vệ. Tòa án địa phương ở huyện Lương Sơn, tỉnh Hồ Nam sau khi mở cuộc điều tra cuối cùng đã chấp nhận yêu cầu của người phụ nữ.
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), ở Trung Quốc vẫn tồn tại lệnh bảo vệ an toàn cho cá nhân và hạn chế những kẻ phạm tội bạo lực gia đình theo dõi hoặc liên lạc với người nộp đơn. Những lệnh bảo vệ như vậy thường kéo dài đến sáu tháng.
Câu chuyện của chị Duyên sau đó được đăng tải trên các trang mạng xã hội đại lục tạo ra những làn sóng dư luận trái chiều.
Một số ý kiến cho rằng, việc bố mẹ cùng nuôi con là điều nên làm và hi vọng người đàn ông sau này sẽ nhận ra vợ và con mình mới là những điều đáng quý nhất.
“Quát mắng thể hiện sự quan tâm còn đánh đập là để yêu thương. Một cặp vợ chồng hạnh phúc là cặp đôi vẫn hay có những trận cãi cọ nhưng cuối cùng họ vẫn ở bên nhau.” Một cư dân mạng chia sẻ.
Trong khi đó số khác lại cho rằng hành vi bạo lực trong gia đình là điều hoàn toàn sai trái.
“Thật sự không thể hiểu việc chị ấy tái hôn với gã chồng vũ phu thì mang lại điều gì cho con cái họ. Đứa trẻ ấy sẽ lớn lên trong môi trường như vậy ư?” Người khác đặt câu hỏi.
Theo SCMP, trong một cuộc khảo sát về địa vị của người phụ nữ trong xã hội hiện đại ở Trung Quốc cho thấy 8,6% số người phụ nữ được hỏi đều trải qua tình trạng bị bạo lực cả về thể chất lẫn tinh thần.
Với quan điểm truyền thống của người Trung Quốc khi cho rằng người ngoài sẽ không can thiệp vào việc riêng của các gia đình khác dẫn tới hệ lụy là sẽ có nhiều phụ nữ bị bạo hành mà giới chức địa phương không thể thống kê, theo SCMP cho biết.
Tháng 7 năm nay, một người chồng họ Quách (Guo) đến từ Đông Nam Trung Quốc đã bị tố đánh đập vợ một cách tàn nhẫn sau khi uống rượu say. Thậm chí người này còn tỏ thái độ thách thức khi lực lượng cảnh sát có mặt vì cho rằng đánh vợ ở trong nhà thì không thể vi phạm pháp luật. Được biết, người này sau đó đã bị giam giữ trong 10 ngày.
QT (SHTT)