Vụ giết người ở tỉnh Sơn Đông đã thu hút sự chú ý rộng rãi của công chúng tuần này sau khi đoạn phim do một nhân chứng quay được đăng lên mạng.
Trong video, người ta thấy một người đàn ông liên tục lái xe cán qua một phụ nữ – sau đó được cảnh sát xác định là vợ của anh ta. Nhiều lần, người đàn ông ra khỏi xe để kiểm tra xem người phụ nữ còn sống hay không trước khi tiếp tục tấn công.
Trong một tuyên bố, cảnh sát ở thành phố Dongying cho biết, một người đàn ông 37 tuổi đã bị tạm giữ sau khi anh ta đánh và cán chết người vợ 38 tuổi của mình vì “tranh chấp gia đình”. Vụ việc vẫn đang được điều tra.
Cuộc tấn công đã trở thành chủ đề thu hút nhất trên Weibo với hơn 300 triệu lượt xem.
Nhiều người đã kinh hoàng trước mức độ tàn ác được thể hiện trong vụ tấn công, sau hai vụ bạo lực gia đình và giết người khác liên quan đến nạn nhân là phụ nữ đã thu hút sự chú ý của công chúng. Tháng trước, một người đàn ông ở tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, đã đâm chết vợ. Người vợ được cho là đã phải chịu đựng bạo lực gia đình nhiều năm và đang lên kế hoạch ly hôn, gia đình cô nói với hãng truyền thông The Paper.
Và tuần trước, một trường hợp khác đã xuất hiện, liên quan đến một người phụ nữ ở thành phố Thành Đô phía tây nam, người nhà nạn nhân cho biết, cô đã trải qua 8 ngày trong phòng chăm sóc đặc biệt sau khi bị chồng tấn công trong phòng khách sạn vào tháng 4 – vì anh ta phát hiện cô nộp đơn xin ly hôn và một lệnh bảo vệ tại tòa án.
Vụ việc được đưa ra ánh sáng sau khi người phụ nữ đăng lên mạng xã hội, nơi cô nói rằng anh ta đã tấn công cô 16 lần trong suốt 2 năm chung sống.
Trong các cuộc thảo luận trực tuyến, những trường hợp này ngày càng được những người trẻ tuổi coi là một câu chuyện cảnh báo khi bước vào hôn nhân, điều mà nhiều người coi là sự bảo vệ không đầy đủ cho các nạn nhân bạo lực gia đình và khó thoát khỏi cuộc hôn nhân bị bạo hành.
“Không có gì lạ khi bây giờ mọi người đều sợ kết hôn” - một bình luận phổ biến trên Weibo với hơn 4.000 lượt thích.
Những người khác trích dẫn một câu nói phổ biến trong giới phụ nữ trẻ Trung Quốc: “Hãy giữ an toàn cho bản thân bằng cách tránh kết hôn và sinh con”.
Những luồng dư luận như vậy đặt ra một thách thức tiềm ẩn đối với chính phủ Trung Quốc, vốn đã phải vật lộn để đảo ngược tỷ lệ kết hôn và sinh đẻ đang giảm dần của đất nước trước cuộc khủng hoảng dân số.
Ngày càng có nhiều thanh niên trì hoãn hoặc trốn tránh hôn nhân hoàn toàn do gánh nặng tài chính liên quan và sự bất bình đẳng giới cố hữu.
“Mặc dù hôn nhân có thể mang lại một số lợi ích, nhưng nó thực sự là một hạn chế đối với phụ nữ và ngày càng có nhiều phụ nữ nhận thức được điều này” - Feng Yuan, một học giả về nữ quyền và là người đồng sáng lập Equality, một nhóm vận động cho quyền của phụ nữ, cho biết.
“Với mức độ phổ biến của nó, bạo lực gia đình là một vấn đề mà mọi người đều biết, ngay cả khi bản thân họ không gặp phải” - Feng Yuan nhận định.
Ở Trung Quốc, bạo lực gia đình được coi là vấn đề riêng tư. Sau hai thập kỷ vận động của các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ, quốc gia này cuối cùng đã áp đặt luật chống bạo lực gia đình vào năm 2016.
Luật lần đầu tiên định nghĩa bạo lực gia đình, bao gồm cả bạo lực thể xác và tâm lý – mặc dù luật này không đề cập đến lạm dụng tình dục như cưỡng hiếp trong hôn nhân. Nó cho phép các tòa án ban hành lệnh bảo vệ nạn nhân và cảnh sát đưa ra các cảnh báo bằng văn bản đối với những kẻ lạm dụng.
Mặc dù luật đã mang lại một số tiến bộ trong việc bảo vệ nạn nhân và nâng cao nhận thức xã hội về bạo lực gia đình, nhưng các chuyên gia cho rằng, việc thực thi luật vẫn còn chắp vá và thường không hiệu quả, một phần là do văn hóa gia trưởng đã ăn sâu của đất nước và những rào cản tồn tại lâu dài trong hệ thống tư pháp.
Theo Feng, học giả nữ quyền, ở nhiều nơi, cảnh sát vẫn coi các vụ bạo lực gia đình là chuyện nội bộ. Bà nhận định: “Bạo lực giữa các thành viên trong gia đình không được coi trọng như bạo lực giữa những người xa lạ… Nó thường được cảnh sát và tòa án xử lý nhẹ nhàng. Vì vậy, nhiều nạn nhân không nhận được sự giúp đỡ hiệu quả và kịp thời, và nhiều thảm kịch bạo lực gia đình có thể ngăn ngừa được đã không được ngăn chặn kịp thời”.
Theo Anh Duy (Công An TPHCM)