Năm 2004, Tào Ngọc Căn 32 tuổi, làm việc chăm chỉ tại Thâm Quyến (Trung Quốc) nhưng vì không có tay nghề, không học hành nên không thể cạnh tranh được với những người trẻ. Lúc bấy giờ trong tay ông chỉ còn 1000 tệ (3,5 triệu đồng) và ông quyết định "khởi nghiệp" bằng số tiền này với công việc thu mua đồng nát.
Ông dùng 1000 tệ mua một chiếc xe ba gác làm phương tiện đi lại. Mỗi sáng, cứ 5h, Tào Ngọc Căn lại đi xe ba gác ra khỏi nhà, thu mua đồng nát khắp nơi và về nhà vào lúc 21h. Mỗi ngày, ông chỉ dám ăn mì gói để tiết kiệm.
Vốn bản tính lầm lì, không thích bắt chuyện với người ngoài nhưng từ ngày chọn công việc thu gom rác, ông bắt buộc phải chủ động giao tiếp để có thêm nhiều mối làm ăn. Ông Tào để lại thông tin liên lạc của mình để tiện việc giao dịch. Sau đó, Tào Ngọc Căn muốn chuyển sang hướng tái chế rác thải điện tử vì thu nhập cao hơn. Nhưng vì sự cạnh tranh trên thị trường này quá khốc liệt, ông không còn cách nào khác để phát triển và đành phải rút lui.
Để kiếm sống, ông chuyển sang dựng sạp bán bắp rang bơ. Sau đó, khi tham gia một buổi họp mặt cùng những người trong làng, Tào Ngọc căn tình cờ nhìn thấy một chiếc máy ảnh độc đáo và nhận ra thị trường trong nước không có sản phẩm này. Ngọc Căn lập tức nghĩ đến việc kinh doanh.
Tào Ngọc Căn nghiên cứu và vẽ chiếc máy ảnh kỹ thuật số sau đó tìm đến các cơ sở sản xuất với hi vọng gặp được người chịu hợp tác. Sau nhiều nỗ lực, ông tìm được người đồng ý giúp. Ông mở cơ sở sản xuất riêng nhưng chẳng bao lâu, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, cơ sở của ông lại một lần nữa phải đóng cửa.
Năm 2010, Tào Ngọc Căn tình cờ biết được một người họ hàng có công ty chuyển phát nhanh ở An Huy đang muốn chuyển nhượng. Ngọc Căn nhân cơ hội lấy lại công ty, thiết lập hình thức kinh doanh mới.
Thời gian đầu, ông liên tục bị phàn nàn vì không những không kiếm được tiền mà nhân viên cũng nghỉ gần hết. Sau đó, ông tiến hành cải tổ, thay đổi hình thức cấp lương cho nhân viên. Thay vì mỗi người chỉ nhận lương cứng, ông ra chính sách lương cứng và “hoa hồng”, cố gắng mang lại nhiều lợi ích cho nhân viên bán hàng.
Ông còn trực tiếp tham gia vào công việc để hiểu rõ hơn về quy trình, sự vất vả của nhân viên. Bằng cách này, công ty chuyển phát nhanh của ông bắt đầu phát triển hơn. Giờ đây, công ty có hơn 200 nhân viên, rộng hơn 5000m2, giá trị tài sản ròng cũng tăng lên rất nhiều.
Việc kinh doanh thuận lợi, công ty của Tào Ngọc Căn tạo được niềm tin cho khách hàng. Công ty của ông ở An Huy hiện đứng đầu về chất lượng dịch vụ tại địa phương.
Ở tuổi 50, Tào Ngọc Căn trở thành cái tên được nhiều người biết đến nhờ sự thành công từ những nỗ lực không ngừng nghỉ.
Ông cho biết, để có được sự nghiệp ngày hôm nay, ngoài việc siêng năng, ông còn phải cảm ơn ngành chuyển phát nhanh khi đó đang trên đà phát triển, giúp ông "gặp đúng thời thế".
Hiện nay, khi có được thành công và khối tài sản lớn, Tào Ngọc Căn không ngừng giúp đỡ người nghèo, làm thiện nguyện. Ông là niềm tự hào của người dân An Huy.
Theo Tú Linh (VietNamNet)