Võ Tắc Thiên (624-705) là mỹ nhân, chính trị gia nổi tiếng thời nhà Đường, đồng thời là một trong những nữ nhân bí ẩn nhất trong lịch sử của Trung Quốc. Vào thời kỳ xã hội trọng nam nhân, một nữ nhi "liễu yếu đào tơ" như Võ Tắc Thiên có thể chèo lái cả một vương quốc lớn và trở thành nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử quả là điều cực kỳ hiếm thấy.
Trong bộ sử "Tư trị thông giám", sử gia nổi tiếng thời nhà Tống, Tư Mã Quang đã đưa ra đánh giá về Võ Tắc Thiên là một người có tài trị nước, đồng thời là một nhà lãnh đạo quyết đoán. Ngày nay, các chuyên gia sử học ngày càng phát hiện thấy nhiều văn tự cổ mô tả về bà như là một nhà lãnh đạo thông thái và giai đoạn thịnh trị của nhà Đường cũng như triều đại Võ Chu do bà trị vì.
Trong số hơn 300 vị vua và hoàng đế trong lịch sử Trung Hoa, Tần Thủy Hoàng và Võ Tắc Thiên là hai trong những nhân vật đặc biệt, khiến nhiều sử gia tranh luận trong suốt một thời gian dài.
Nếu như Tần Thủy Hoàng nổi danh là vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử của đất nước tỷ dân thì Võ Tắc Thiên lại được biết tới là nữ hoàng đế có 1-0-2, thậm chí bà còn thiết lập nên cả một triều đại thịnh trị như Võ Chu (690 – 705). Đây thực sự là một chuyện hiếm thấy trong lịch sử.
Sinh trưởng ở hai thời đại khác nhau, nhưng cả Tần Thủy Hoàng và nữ hoàng đế Võ Tắc Thiên đều có một điểm chung, đó là rất "yên bình" sau khi qua đời. Cả hai vị hoàng đế này đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho hành trình sang thế giới bên kia của mình.
Không chỉ có quy mô rất lớn, hai lăng mộ hàng nghìn năm này còn dường như "bất khả xâm phạm" khi chưa ai có thể xâm phạm vào khu vực địa lăng, đánh cắp hay đào bới.
So với "gã khổng lồ" là nơi yên nghỉ của hoàng đế Tần Thủy Hoàng, Càn Lăng của nữ hoàng Võ Tắc Thiên và chồng là Đường Cao Tông Lý Trị có quy mô nhỏ hơn rất nhiều. Tuy nhiên, xét về kỹ thuật cũng như những cạm bẫy ngầm bên trong thì chưa chắc Càn Lăng đã thua kém.
Bằng chứng là đã có nhiều ghi chép lịch sử về việc Càn Lăng từng không ít lần bị mộ tặc xâm phạm. Nhưng ngặt một nỗi là dù lộ thiên, nhưng lăng mộ này lại không thể đào được.
Nằm ở núi Lương Sơn, thuộc huyện Càn, tỉnh Thiểm Tây (cách thành cổ ở Tây An khoảng 85km về phía tây bắc), Càn Lăng là khu lăng mộ có địa thế đẹp cả về mặt địa lý lẫn yếu tố phong thủy. Bắt đầu được khởi công xây dựng từ năm 684, nhưng lăng mộ lộ thiên này phải mất tới 23 năm để hoàn thành.
Quy mô của lăng vô cùng rộng lớn khi bao gồm đầy đủ các khu vực hoàng thành, cung thành và ngoại quách mô phỏng thành Trường An. Đường trục chính của lăng dài tới 4,9km, chu vi cung thành là 19km, chu vi ngoại thành khoảng 130km và sân trong của lăng gồm 308 phòng. Quãng đường từ cổng lăng đi vào cửa hầm mộ dài 631m được lát đá lớn. Tổng diện tích lăng mộ khoảng 2,3 triệu mét vuông.
Chứa 500 tấn kho báu nhưng không ai dám khai quật
Càn Lăng là nơi hợp táng của 2 vị Hoàng đế, được xây dựng trong thời kỳ đất nước thịnh trị, sung túc nên chắc chắn nó không chỉ có quy mô hoành tráng mà còn chôn vô cùng nhiều vàng bạc kho báu. Các nhà sử học và khảo cổ tin rằng bên dưới mộ của 2 chủ nhân là một kho báu khổng lồ. Có giả thuyết cho rằng Hoàng đế Đường Cao Tông đã được chôn cùng với 1 phần 3 số tài sản quốc gia lúc bấy giờ. 20 năm sau, Võ Tắc Thiên băng hà cũng được chôn với 1 phần 3 số tài sản khi đó. Tổng cộng, ước tính số ngọc ngà châu báu trong lăng mộ có thể lên đến 500 tấn.
Chứa gia tài khủng khiếp như vậy, Càn Lăng tất nhiên là mục tiêu của đạo chích ngàn đời. Trong hơn 1 thiên niên kỷ qua, người đời đã truyền tai nhau tin đồn về "lời nguyền bất khả xâm phạm" của Càn Lăng. Theo sử sách ghi lại, tại đây đã có ít nhất 17 cuộc trộm mộ quy mô lớn nhưng kết cục của những kẻ tham lam đều là cái chết.
Cụ thể, theo ghi chép lịch sử trong thời Ngũ Đại (907-960), Tiết độ sứ Diệu Châu Ôn Thao được biết tới là một mộ tặc có tiếng khi từng đào bới tới 17 lăng mộ của hoàng gia nhà Đường, thu được nhiều chiến lợi phẩm lớn. Đương nhiên với ước tính quy mô kho báu rất lớn cùng lượng đồ vật bồi táng có giá trị thì Càn Lăng cũng là một trong những mục tiêu mà "đạo chích" khét tiếng này không thể bỏ qua.
Ôn Thao cũng từng huy động lực lượng lên tới 2 vạn người để tiến hành khai quật Càn Lăng. Thế nhưng, cứ hễ đào bới thì trời bỗng nhiên nổi giông bão, sấm sét đến độ khiến nhiều người sợ hãi. Chưa hết, nhóm những người tham gia khai quật cũng liên tiếp không may qua đời vì bệnh tật hoặc lý do bất ngờ.
Sau vài lần không làm được gì, cuối cùng Ôn Thao cũng phải từ bỏ ý định xâm phạm Càn Lăng và "mơ ước" chiếm đoạt kho báu của nữ hoàng đế Võ Tắc Thiên.
Sau đó, mặc dù nhiều lần mộ tặc xâm phạm, thậm chí dùng cả thuốc nổ để phá núi nhưng Càn Lăng vẫn vô cùng vững chãi và dường như chẳng hề hấn gì.
Điều này khiến nhiều sử gia và các chuyên gia nghiên cứu ngạc nhiên. Một số người thậm chí còn cho rằng có thể nữ hoàng đế đã tiên liệu về việc lăng mộ hợp táng của bà và chồng sẽ mộ tặc dòm ngó nên đã ngầm bố trí những cạm bẫy ở khu vực yên nghĩ của mình.
Nhưng việc bà đã làm ra sao và những cái bẫy mà dân gian thường đồn thổi về lời nguyền đáng sợ khi xâm phạm Càn Lăng đến nay vẫn còn là một ẩn số.
Vì sao chưa thể khai quật Càn Lăng?
Hiện nay, nhiều nhà sử học ở Trung Quốc đã thừa nhận rằng Càn Lăng chính là lăng mộ hoàng tộc thời nhà Đường duy nhất còn nguyên vẹn, dựa trên bằng chứng là lối vào lăng mộ này vẫn còn ở trong tình trạng tốt.
Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn chưa có ý định thực hiện khai quật khảo cổ tại khu lăng mộ bề thế này.
Theo các nhà khảo cổ học, nguyên nhân khiến cho những cơ quan chức năng cùng nhiều chuyên gia chưa dám mạo hiểm khai quật lăng mộ của Võ Tắc Thiên vì điều kiện công nghệ chưa đáp ứng.
Cụ thể, những cổ vật hơn 1.300 năm trong lăng mộ này sẽ có thể bị phân hủy ngay lập tức một khi chúng được đưa ra bên ngoài và tiếp xúc với không khí. Nói cách khác, những nhà khảo cổ học phải được trang bị đầy đủ cả về kiến thức cũng như công nghệ để bảo tồn cổ vật trước khi tiến hành công tác khai quật.
Chính vì vậy, những bí mật ở "thế giới bên kia" của hoàng đế Võ Tắc Thiên cùng Đường Cao Tông có lẽ vẫn còn chưa được hé lộ. Tính đến nay, Càn Lăng vẫn là một trong những lăng mộ bí ẩn nhất trong lịch sử Trung Hoa.
PN (Nguoiduatin.vn)