Không thể đặt trọn lòng tin vào vũ khí Mỹ
Một bài viết trên trang web của Hãng truyền thông Nga Sputnik cho biết, gần đây, hàng loạt quan chức cấp cao đại diện của Hoa Kỳ đã ráo riết vận động hành lang nhằm thúc đẩy việc bán vũ khí và thiết bị quân sự Mỹ cho các nước Đông Nam Á.
Ví dụ như, tại Triển lãm hàng không Singapore mang tên Singapore Airshow 2018, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Tina Kaidanow công nhiên kêu gọi mua thiết bị của Mỹ, nhấn mạnh rằng các sản phẩm vũ khí, cũng như tất cả những gì làm ra ở Hoa Kỳ, đều có chất lượng cao.
Ngoài ra, theo thông báo gần đây của tờ Defence News, các quan chức cấp cao từ Hoa Kỳ đang ra sức thuyết phục đại diện một số quốc gia Đông Nam Á khác “từ biệt” vũ khí Nga và tái định hướng hoàn toàn vào mua vũ khí của Hoa Kỳ.
Trong bài viết này, quan sát viên của Sputnik là chuyên gia quân sự Piotr Tsvetov nêu câu hỏi rằng, có nên tin vào quảng cáo của những người bán vũ khí này hay không?
Theo giới chuyên gia quân sự Nga, ai cũng rõ Mỹ là người lái buôn, mà họ sẽ dùng các đòn bẩy đủ loại để bán được càng nhiều vũ khí càng tốt. Do đó, Mỹ sẽ tìm đủ mọi cách để hạ thấp đối thủ, rao hàng quảng cáo, thuyết phục và người khác mua vũ khí của mình.
Không cần bàn cãi gì nhiều, các hàng hóa mang nhãn hiệu "Made in USA" trong đa số các trường hợp đều nằm ngoài vòng cạnh tranh, thế nhưng tại sao khi đó Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lại hướng tới Trung Quốc và Nga, yêu cầu cũng cấp vũ khí xạ kích?
Theo ông, bởi vì các nhà lập pháp Mỹ đã cấm bán vũ khí cho người Philippines, trong khi cảnh sát và quân nhân nước này cần sử dụng vũ khí để đối phó với bọn trùm ma túy, những kẻ khủng bố Hồi giáo và các nhóm vũ trang khác ở Philippines, những đối tượng không chịu nghe theo ngôn ngữ ngoại giao hay sự thuyết phục mềm dẻo.
Có vẻ như hợp lý khi khách mua sử dụng món hàng đã mua như họ muốn, thí dụ như máy tự động làm ra các đồ dùng nhà bếp. Nhưng các fan cuồng về nhân quyền Mỹ cho rằng máy móc của họ xứng đáng thực hiện những nhiệm vụ cao quý hơn. Vậy những chiếc máy tự động này đã làm gì hồi những năm 1960 và 1970 ở Đông Dương? Hoặc là trong những năm 70 và 80 ở Nicaragua và Panama?
Nhưng thế rồi lại có người tiếp tục hùa theo chính sách Mỹ là Thủ tướng Canada Justin Trudeau.
Ông này tỏ ra lo ngại rằng những chiếc trực thăng Bell sản xuất tại Canada có thể được Chính phủ Duterte dùng vào việc chống buôn bán ma túy và khủng bố. Do đó, những hợp đồng cung cấp những máy bay trực thăng loại này cho Philippines hiện nay cần phải bị đình chỉ.
Argentina và bài học vũ khí phương Tây trong cuộc chiến Malvinas/Falkland
Vị chuyên gia Nga nhấn mạnh rằng, rõ ràng là vấn đề không phải nằm ở các chuẩn mực đạo đức của Mỹ, mà là trong những chính sách mà ông Duterte tự quyết thực hiện, khiến người bán vũ khí như Mỹ không thể can thiệp vào công việc nội bộ của người mua là Philippines.
Như vậy, Philippines đã không thể chờ đợi gì ở Mỹ khi mà họ đang rất cần những vũ khí này để trấn áp khủng bố và tội phạm ma túy. Cái mà ông nhận được chỉ là những lời chỉ trích và sự cắt đứt đường cung vũ khí khi bọ khủng bố Maute đang hoành hành ở miền Nam nước này.
Vị Tổng thống Philippines đã tìm lối thoát ra khỏi thế bí vì ông Duterte hiểu rằng không được gửi gắm tin cậy hoàn toàn vào người bán vũ khí như Mỹ. Và Philippines đã nhận được vũ khí từ Trung Quốc và Nga để tiếp tục cuộc chiến của mình.
Theo giới phân tích Nga, dựa vào Hoa Kỳ trong các vấn đề vũ khí là không đáng tin cậy và thậm chí là nguy hiểm, bởi vì bất cứ lúc nào chính quyền Washington cũng có thể chấm dứt việc nước đối tác tiếp cận với vũ khí của Mỹ do vấn đề nhân quyền mà họ áp đặt với các nước khác.
Ngoài ra, theo ý kiến ông Collin Koh Swee Lean, nhà nghiên cứu chuyên về các vấn đề hải quân Đông Nam Á của Trường Nghiên cứu Quốc tế mang tên S. Rajaratnam (S. Rajaratnam School of International Studies), các nước nhỏ bé không nên đặt trọn lòng tin vào vũ khí Mỹ.
Theo ông, nếu chuyển hướng hoàn toàn về vũ khí Mỹ, lấy gì để đảm bảo rằng Hoa Kỳ sẽ không xiết cái vòng kim cô thế mạnh để gây sức ép, buộc khách mua hàng phải phụ thuộc ngày càng nhiều hơn vào họ, khiến các khách hàng sẽ không bao giờ thoát khỏi cái ‘vòng kim cô’ của Mỹ?
Lại một lần nữa cần nhớ những bài học lịch sử khi hướng tới tương lai bởi trong quá khứ, Argentina đã từng một lần ‘ngậm quả đắng’ với vũ khí của phương Tây trong cuộc hải chiến giành quần đảo Malvinas ở Nam Đại Tây Dương với Anh (Anh gọi là Falkland).
Trong cuộc chiến vào năm 1982, để ủng hộ Anh trong cuộc chiến giành giật quần đảo Malvinas/Falkland, Pháp đã cắt đứt nguồn cung vũ khí quan trọng nhất cho Argentina là tên lửa chống hạm AM39 Exocet trên máy bay chiến đấu Mirage, khiến quần đảo này lọt vào tay Anh.
Theo Huy Bình (Đất Việt)