Hải quân Nga sẽ nhận tàu tên lửa cỡ nhỏ Dự án 21631 lớp Buyan-M mang tên Vyshny Volochok số hiệu vào đầu tháng 4 năm 2018, Flot Prom dẫn nguồn tin từ tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga cho biết.
Điều đáng nói ở đây là hồi tháng 5 năm 2017, Tổng giám đốc Nhà máy đóng tàu Zelenodolsk, ông Renat Mistakhov hứa rằng chiếc Vyshny Volochek sẽ được bàn giao cho Hải quân Nga chậm nhất vào tháng 10. Như vậy ít nhất con tàu đã bị trễ 6 tháng nhưng điều đáng quan tâm hơn là chưa có gì bảo đảm đến tháng 4 này nó sẽ hoàn thành.
Nguyên nhân dẫn tới sự lỡ hẹn trên được xác định nằm ở động cơ diesel 20 xy lanh (V20) CHD622V20STC do Công ty động cơ diesel Hà Nam của Trung Quốc (NHD) sản xuất.
Trước đó, theo kế hoạch, 9 tàu Buyan-M đóng mới cho Hải quân Nga sẽ sử dụng động cơ diesel MTU 16V 4000M90 do công ty MTU Friedrichshafen GmbH (Đức) chế tạo. Nhưng vì các lệnh cấm vận của phương Tây áp đặt lên Nga mà phía Đức đã từ chối cung cấp nốt số động cơ còn lại, vì vậy chỉ có 5 chiếc Buyan-M đầu tiên được lắp sản phẩm này.
Không còn cách nào khác, Nhà máy Zelenodolsk phải lựa chọn động cơ CHD622V20STC của Trung Quốc để trang bị cho 4 tàu Buyan-M còn lại dự kiến sẽ phải hoàn thành trong giai đoạn 2017 - 2019.
Theo giới thiệu của NHD, động cơ CHD622V20STC do họ sản xuất có nhiều ưu điểm hơn loại MTU 16V 4000M90 vì NHD đã thu được nhiều kinh nghiệm quý báu từ việc sản xuất động cơ theo giấy phép của công ty Deutz-MWM trong nhiều năm.
Động cơ Trung Quốc theo như lời quảng cáo có công suất máy 4.219 mã lực, mức tiêu hao nhiên liệu chỉ 198 gram cho một KW năng lượng sản sinh mỗi giờ, trong khi đó động cơ Đức có công suất 3.647 mã lực nhưng lại tiêu hao tới 209 gram nhiên liệu.
Tuy nhiên sau một thời gian ngắn đưa vào khai thác trên một vài tàu Buyan-M, động cơ CHD622V20STC đã bị phàn nàn rất nhiều rằng chế độ làm của nó không phù hợp với chiến hạm vì vốn chỉ được thiết kế để lắp đặt cho tàu dân sự.
Động cơ của Trung Quốc có độ tin cậy thấp, tiêu hao nhiều nhiên liệu và đặc biệt là công suất của nó không được như lời giới thiệu. Nguồn tin cho biết các kỹ sư đang phối hợp với Hải quân Nga khắc phục vấn đề bằng cách chờ các chi tiết của bộ tăng áp mới.
Việc một cường quốc hải quân như Nga phải nhập khẩu động cơ Trung Quốc về lắp cho tàu chiến cỡ nhỏ đã là điều không lấy gì làm tự hào, nhưng nay họ lại phải tiếp tục nhận trái đắng thứ hai liên quan tới chất lượng thực tế của sản phẩm "Made in China", con đường để Hải quân Nga tìm lại ánh hào quang Xô Viết rõ ràng vẫn còn rất nhiều chông gai.
Theo Hải Dương (Soha/Trí Thức Trẻ)