Theo CNN, trong ngày 31/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, các cuộc tập kích quy mô lớn là đòn đáp trả lại vụ tấn công nhắm đến Hạm đội Biển Đen trước đó. Ngoài ra, chủ nhân Điện Kremlin cũng sẵn sàng chờ đợi Kiev đồng ý đàm phán chấm dứt xung đột.
"Các cuộc tập kích là đòn đáp trả cho vụ tấn công ở Sevastopol, nhưng đó không phải là tất cả. Thực tế, Moscow và Kiev đã đạt được một thỏa thuận ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), nhưng có người lại ném chúng vào thùng rác. Đến bây giờ, họ lại từ chối mọi cuộc đối thoại, thật khó để nói về những thỏa thuận ở tình huống này. Nhưng Moscow có thể chờ, thiện chí của Nga sẽ không thay đổi", ông Putin nói.
Cũng trong bài phát biểu của mình, chủ nhân Điện Kremlin cũng làm rõ các vấn đề xung quanh thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc. Ông Putin nhấn mạnh, Moscow chỉ tạm dừng tham gia, chứ không rút hoàn toàn khỏi thỏa thuận.
Ukraine yêu cầu thêm nhiều hệ thống phòng không
Theo Guardian, trong ngày 31/10, không quân Ukraine đã yêu cầu các đồng minh phương Tây tăng tốc độ chuyển giao hệ thống phòng không. Lời kêu gọi được đưa ra sau khi Nga phóng 50 tên lửa hành trình nhắm vào các thành phố lớn của Ukraine.
"Ukraine thực sự cần thêm hệ thống phòng không, IRIS-T đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình, nhưng tôi mong Berlin có thể nhanh chóng chuyển giao 3 hệ thống còn lại trong thỏa thuận. Các hệ thống NASAMS cũng đang trên đường tới Ukraine, nhưng chúng tôi vẫn cần thêm các thiết bị khác", ông Yurii Ihnat, phát ngôn viên không quân Ukraine cho biết.
Trước đó, Nga đã phóng 50 tên lửa hành trình nhắm vào các cơ sở hạ tầng thiết yếu của 10 tỉnh, thành phố trên khắp Ukraine. Theo Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal, các cuộc tập kích này gây mất điện diện rộng, nhưng "có thể tồi tệ hơn nhiều nếu quân đội không đánh chặn được 44 tên lửa".
40% người dân Kiev vẫn thiếu nguồn cung cấp nước
Theo CNN, trong tối 31/10, Thị trưởng Kiev Vitali Klitschko cho biết, vẫn còn 40% người dân ở thủ đô Ukraine không có nguồn cung cấp nước sạch. Hiện tại, hệ thống cấp nước ở phía đông Kiev đã được khôi phục, nhưng các khu vực ở phía tây vẫn phải tiếp tục chờ đợi.
"Việc khôi phục hệ thống cung cấp nước vẫn đang được tiến hành. Ngoài ra, do hệ thống điện cũng bị ảnh hưởng, kế hoạch cắt điện luân phiên và giãn cách các chuyến tàu điện sẽ được tiến hành", ông Klitschko nói.
G7 và EU áp giá trần xăng dầu Nga từ tháng 12
Theo Reuters, trong ngày 31/10, nhóm G7 và các thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất việc áp trần giá dầu thô và các sản phẩm từ dầu của Nga kể từ ngày 5/12.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết, nếu các sản phẩm xăng dầu của Nga được vận chuyển trước ngày 5/12 và tới các nước nhập khẩu trước ngày 19/1/2023 thì sẽ không bị áp giá trần. Mức giá trần cụ thể vẫn đang được các quốc gia phương Tây bàn bạc.
Theo Việt Dũng (VietNamNet)