DefenseNews cho biết, trong những tháng vừa qua, một số quan chức an ninh cấp cao của Mỹ đã đến thăm Việt Nam để giúp tăng cường quan hệ ngoại giao và quân sự giữa hai nước.
Trong chuyến thăm vào tháng 1/2018, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Jim Mattis đã tuyên bố rằng Mỹ sẽ gửi 1 tàu sân bay đến thăm cảng của Việt Nam - sự kiện đầu tiên kể từ thời chiến tranh Việt Nam.
Trước khi tham dự triển lãm hàng không Singapore để gặp gỡ các đại diễn của ngành công nghiệp Mỹ và các đối tác toàn cầu, Đại sứ Tina Kaidanow, phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề chính trị - quân sự đã có chuyến dừng chân tại Việt Nam để tham dự Đối thoại chính trị, an ninh và quốc phòng Việt - Mỹ.
Trong một cuộc trao đổi qua điện thoại với các phóng viên vào hôm thứ Hai, bà Kaidanow nói rằng mối quan hệ của Mỹ với Việt Nam đang được tăng cường và bà nói về mong muốn của chính quyền Mỹ có thêm các hợp đồng quốc phòng giữa hai nước.
Việt Nam quan tâm đến các công nghệ quân sự của Mỹ, bằng chứng là việc chuyển giao 1 tàu lớp Hamilton của lực lượng Tuần duyên Mỹ vào năm 2016 và một đợt bán gần đây - nhờ sử dụng nguồn tài trợ của Mỹ - Việt Nam đã mua máy bay không người lái tuần thám biển Boeing-Insitu ScanEagles, quan chức ngoại giao Mỹ cho biết.
Tuy nhiên, Việt Nam lại chưa quen thuộc với các chương trình bán vũ khí nước ngoài (FMS) và bán hàng thương mại trực tiếp (DCS), hai cách để mua vũ khí từ Bộ Ngoại giao hoặc Bộ Thương mại Mỹ.
Việt Nam trên đường đa dạng hóa nguồn cung vũ khí
Việt Nam có một lịch sử mua sắm vũ khí Nga từ lâu và vốn được nhìn nhận là giá hợp lý và ít phức tạp hơn so với vũ khí của Mỹ. Mặc dù vậy, ngoài vũ khí Nga, Việt Nam dường như đang dần đa dạng hóa nguồn cung, ông Collin Koh Swee Lean, nhà nghiên cứu thuộc trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam chuyên về các vấn đề hải quân ở Đông Nam Á, cho biết.
DefenseNews dẫn lời ông Euan Graham, giám đốc chương trình an ninh quốc tế của Viện Lowy cho biết Việt Nam đang trên đà phát triển thành một khách hàng lớn hơn của vũ khí Mỹ.
"Việt Nam là một nhà nhập khẩu vũ khí lớn khi so sánh với tiềm lực của quốc gia này. Có lẽ, họ sẽ mua các máy bay tiêm kích F-16 . Đây sẽ là một bước tiến lớn cho dù phương án thay thế rẻ hơn (mà không phải từ Nga) như chiếc Gripen vẫn đang được xem xét" ông nói.
Tuy nhiên, một số công nghệ của Mỹ cho dù đã cũ và dựa trên các nền tảng đã qua sử dụng như máy bay tuần thám biển P-3 đôi lúc vẫn còn quá phức tạp và đắt so với Việt Nam, ông cho biết.
Tại triển lãm hàng không Singapore, đoàn đại diện Việt Nam vẫn còn xuất hiện khá khiêm tốn, với việc Việt Nam không trưng bày bất cứ máy bay nào hay đưa các đội bay trình diễn. Chủ yếu vẫn là đoàn đến tham quan các gian hàng của Mỹ.
"Mới hôm nay, chúng tôi đã tiếp đón các đoàn đại diện của Việt Nam đến gian hàng. Trước đây, Việt Nam đã bày tỏ sự quan tâm đến những chiếc P-3," ông Orlando Carvahlo, giám đốc mảng hàng không của Tập đoàn Lockheed Martin cho biết vào hôm thứ Ba.
Theo Ly Vy (Soha/Thời Đại)