Tiêm kích F-35B hạ cánh thẳng đứng trên tàu sân bay Mỹ
Dù đến ngày 6.2 mới khai mạc Triển lãm hàng không Singapore 2018 nhưng 2 tiêm kích F-35B của thủy quân lục chiến Mỹ đã xuất hiện tại sân bay Changi ngay từ cuối tuần trước.
Theo Đài Channel News Asia, việc F-35B lần đầu xuất hiện tại Đông Nam Á đang thu hút sự chú ý lớn trong khu vực vì thậm chí ở phạm vi châu Á thì cũng chưa nước nào sở hữu mẫu tiêm kích hiện đại này. Giới quan sát cho rằng F-35B sẽ là một trong những tâm điểm của triển lãm giữa bối cảnh Washington muốn thúc đẩy chính sách “mua hàng Mỹ” do Tổng thống Donald Trump khởi xướng.
Đây cũng là lần đầu tiên Mỹ cử nhà ngoại giao chuyên trách về xuất khẩu vũ khí tham dự Triển lãm hàng không Singapore trong nhiều năm qua. Dự kiến, bà Tina Kaidanow, quyền Trợ lý ngoại trưởng phụ trách chính trị - quân sự sẽ thúc đẩy những hợp đồng bán vũ khí của Mỹ, trong đó có tên lửa của Hãng Raytheon và tiêm kích F-35B.
Theo giới phân tích, tiêm kích này đóng vai trò quan trọng trong việc đối phó chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2AD) của Trung Quốc, nhất là sau khi Bắc Kinh phát triển tên lửa chống tàu sân bay.
Trang Business Insider dẫn lời trung tá David Berke, cựu chỉ huy phi đội F-35 thuộc thủy quân lục chiến Mỹ, F-35B có khả năng cất cánh từ đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng như trực thăng nên không cần phải có căn cứ quân sự hay tàu sân bay lớn để triển khai. “Hãy tìm cho tôi khoảng đất trống dài khoảng 180 m, thậm chí bề mặt không bằng phẳng, gồ ghề sỏi đá, tôi vẫn có thể đáp F-35B xuống dễ dàng”, ông Berke cho biết.
Theo Reuters, bên cạnh Hàn Quốc và Nhật Bản, những nước đang sử dụng F-35A, thì Singapore cũng nằm trong số khách hàng tiềm năng cho F-35B.
Trong khi đó, dự kiến Trung Quốc sẽ đưa hai mẫu UAV vũ trang Wing Loong I và Wing Loong II do Tập đoàn Thành Đô sản xuất đến chào hàng tại sự kiện lần này. Ngoài Wing Loong, Trung Quốc còn xuất khẩu nhiều mẫu UAV vũ trang khác như CH-3, CH-4 và CH-5.
Theo chuyên san Aviation International News, việc UAV Trung Quốc đang trở nên hút hàng là nhờ giá rẻ và nước này không ký vào phần nội dung ràng buộc về phổ biến UAV tầm xa trong Chế độ kiểm soát công nghệ tên lửa (MCTR), thỏa thuận quốc tế được ký bởi 35 quốc gia từ năm 1987.
Tuy nhiên, đến nay chưa có khách hàng nào công khai phản hồi về chất lượng của UAV Trung Quốc. Nguyên nhân có thể là do điều kiện bảo mật trong hợp đồng hoặc cũng có thể là vì khách hàng không muốn bị bẽ mặt sau khi mua phải sản phẩm hoạt động kém, theo Aviation International News.
Hồi tháng 6.2016, một chiếc Wing Loong I của quân đội Pakistan mua từ Trung Quốc bị rơi sau khi cất cánh. Hình ảnh tại hiện trường cho thấy UAV gãy cánh và cháy rụi phần thân giữa. Trước đó, trong năm 2015, tại Nigeria xảy ra 2 vụ tai nạn liên tiếp với UAV CH-3 do Trung Quốc sản xuất.
Trước thềm Triển lãm hàng không Singapore 2018, Reuters dẫn lời chuyên gia Richard Bitzinger tại Trường nghiên cứu quốc tế Ratjaranam (Singapore) nhận định sẽ không có nhiều nước mua sản phẩm của Trung Quốc tại sự kiện lần này. “Một phần vì độ tin cậy của hàng Trung Quốc không cao và một phần vì trong bối cảnh chính sách của Mỹ hiện nay thì nếu anh muốn Washington duy trì cam kết hợp tác, anh phải mua khí tài của họ”, ông nhận định.
Theo Khánh An (Thanh Niên Online)