Nga bác bỏ cáo buộc 'đánh cắp công thức' vaccine AstraZeneca để phát triển vaccine Sputnik V

14/10/2021 09:44:38

Nga bác bỏ cáo buộc cho rằng gián điệp nước này ăn cắp "công thức" vaccine ngừa Covid-19 của Oxford-AstraZeneca để phát triển vaccine Spunik-V.

Nga bác bỏ cáo buộc 'đánh cắp công thức' vaccine AstraZeneca để phát triển vaccine Sputnik V
Ảnh minh họa: Reuters

Trước đó, truyền thông Anh tuần này đưa tin các cơ quan an ninh nước này báo cáo với các bộ trưởng rằng họ có bằng chứng chắc chắn cho thấy Nga đánh cắp công thức vaccine AstraZeneca và dùng nó để phát triển vaccine Sputnik V.

Văn phòng Thủ tướng Anh từ chối bình luận về những thông tin này.

Đây không phải lần đầu tiên Nga bị cáo buộc đánh cắp dữ liệu vaccine ngừa Covid-19, nhưng Moscow đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc. Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF), đơn vị hỗ trợ phát triển vaccine Sputnik V cho rằng các thông tin kể trên là "giả mạo" và "nói dối trắng trợn".

Người đứng đầu Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga hôm 13/10 khẳng định các cáo buộc là "vô lý về mặt khoa học".

"Những tuyên bố đó không có giá trị nào, chúng tôi đã rất rõ ràng về điều này. Tin tức đó hoàn toàn vô lý về mặt khoa học, không có giá trị nào và thực sự là lời dối trá," CNBC dẫn lời Kirill Dmitriev cho biết.

Dmitriev gọi báo cáo kể trên là "thông tin vô lý từ nguồn giấu tên", đồng thời cho rằng các cáo buộc là một phần của "chiến dịch bôi nhọ nhắm vào Spunik V do một số chính trị gia không thích Nga, và một số hãng dược phẩm lớn lo ngại thành công của Sputnik V, tiếp tục tấn công Sputnik V và Sputnik Light. Chúng tôi đã quen với những công kích như vậy." Sputnik Light là liều bổ sung của vaccine Sputnik V.

Dmitriev khẳng định các nhà phát triển vaccine Sputni V muốn trở thành đối tác của các hãng sản xuất vaccine khác, và đã cùng AstraZeneca hợp tác trong một thử nghiệm lâm sàng để xác định xem việc tiêm trộn các loại vaccine có hiệu quả hay không.

"Chúng tôi tin tưởng vào cách tiếp cận hợp tác với các nhà sản xuất khác, và Sputnik V là đối tác của các loại vaccine khác," ông nói thêm.

RDIF có vốn đầu tư khoảng 10 tỷ USD, đã tham gia hỗ trợ phát triển vaccine ngừa Covid-19 Sputnik V. Đây là loại vaccine đầu tiên trên thế giới được cấp phép hồi tháng 08/2020.

Vaccine Sputni V từng bị nghi ngờ, ban đầu về dữ liệu lâm sàng và hiệu quả, sau đó là các cáo buộc về nguồn gốc và phát triển.

Phân tích ban đầu về các thử nghiệm giai đoạn ba, với sự tham gia của 20.000 tình nguyện viên và được xuất bản trên tuần san The Lancet cho thấy vaccine này có hiệu quả 96,1% trước Covid-19 có triệu chứng.

Tuy vậy, vaccine vẫn chưa được các cơ quan quản lý dược phẩm ở Anh, Mỹ và châu Âu phê duyệt.

Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật