Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg vừa cho biết, liên minh này sẽ mở rộng hiện diện trên khắp Đông Âu, từ Biển Đen đến khu vực Baltic. Động thái này của NATO nhằm gửi thông điệp rõ ràng tới Nga, trong bối cảnh cuộc xung đột quân sự ở Ukraine đã kéo dài hơn 9 tháng.
Bất chấp các báo cáo rằng phần lớn các quốc gia NATO đang cạn kiệt kho vũ khí và đạn dược, Mỹ và các đối tác đã cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine. Những động thái cứng rắn này của các nước thành viên NATO đang đẩy thế đối đầu Nga-phương Tây sang giai đoạn quyết liệt hơn. Nguy cơ đối đầu quân sự trực tiếp giữa Nga và NATO đang ngày một hiện hữu.
Đằng sau việc NATO thông báo mở rộng hiện diện ở Baltic và Biển Đen
Các thông báo mới đây của Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg về việc NATO sẽ mở rộng sự hiện diện ở Đông Âu, Baltic hay Biển Đen không phải là điều bất ngờ. Hồi cuối tháng 06/2022, nguyên thủ các nước NATO nhóm họp Thượng đỉnh tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha đã đưa ra các quyết sách đó, như việc xây dựng một lực lượng quân đội thường trực có tính chiến đấu cao lên tới 300 ngàn quân, trong đó có 40 ngàn quân thuộc lực lượng phản ứng nhanh, sẵn sàng được triển khai ngay lập tức tới bất cứ điểm nóng xung đột nào tại châu Âu. Đây đều là các thay đổi mang tính bước ngoặt lịch sử của liên minh quân sự NATO trong bối cảnh châu Âu đối mặt với một xung đột quân sự cường độ cao nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới 2 ngay tại cửa ngõ của mình.
Nhìn chung, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã làm đảo lộn trật tự an ninh tại châu Âu và vào thời điểm này, khi cuộc xung đột này đã bước sang tháng thứ 9 và vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, mọi động thái lớn về an ninh hay địa chính trị tại châu Âu, như việc Phần Lan-Thụy Điển từ bỏ quy chế trung lập duy trì hàng thế kỷ để xin gia nhập NATO hay việc NATO triển khai thêm quân đến sát biên giới Nga… đều không phải là điều bất ngờ. Trong lịch sử tồn tại của mình, NATO đã tiến hành 2 làn sóng mở rộng sang phía Đông kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và đã kết nạp hầu hết các quốc gia trước đây vốn thuộc khối Hiệp ước Warsaw và nằm trong vùng ảnh hưởng của Nga. Do đó, việc NATO gia tăng hiện diện quân sự sát biên giới Nga đã là một thực tế tồn tại trong 3 thập kỷ qua và hiện nay khi xung đột Nga-Ukraine đã nổ ra thì NATO lại càng có nhiều lí do hơn để gia tăng sự hiện diện này.
Tất nhiên, trong tuyên bố của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng có một số nét mới đáng chú ý. Nếu việc gia tăng quân ở sườn Đông NATO hay ở 3 nước Baltic là việc NATO đã thực hiện thường xuyên thời gian qua thì tuyên bố về việc gia tăng hiện diện quân sự của NATO ở Biển Đen cần phải được lưu ý sát sao.
Mặc dù có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng với Nga và Ukraine nhưng Biển Đen là một vùng biển kín, thông với Địa Trung Hải bằng một eo biển rất nhỏ là eo Bosphore do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát và từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng eo biển này, cấm mọi tàu quân sự các nước, kể cả của Nga, đi vào Biển Đen. Do đó, nếu NATO bằng cách nào đó gia tăng hiện diện quân sự ở Biển Đen, chắc chắn phía Nga sẽ có phản ứng quyết liệt bởi sự hiện diện này đe doạ trực tiếp đến hạm đội Biển Đen của Nga ở bán đảo Crimea cũng như có thể tác động lớn đến cục diện xung đột tại Ukraine. Vì thế, cần phải hết sức lưu ý các động thái của NATO tại khu vực này.
Nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO
Cho đến thời điểm này, khi cuộc xung đột Nga-Ukraine đã kéo dài hơn 9 tháng, một trong những kết luận có sự đồng thuận lớn nhất của giới phân tích tại phương Tây, đó là NATO hoàn toàn không muốn bị lôi kéo trực tiếp vào cuộc xung đột Nga-Ukraine để đối đầu trực diện về mặt quân sự với Nga. Các quan chức Mỹ và nhiều cường quốc NATO đã công khai khẳng định điều này rất nhiều lần và mặc dù đã tung ra các gói viện trợ quân sự khổng lồ cho Ukraine nhưng cho đến nay, NATO luôn hành xử rất thận trọng để không trực tiếp tham chiến. Về viện trợ quân sự, các nước NATO đã viện trợ cho Ukraine khoảng 40 tỷ USD tiền vũ khí, đã tham gia đào tạo, huấn luyện, cung cấp thông tin tình báo, thậm chí cả cố vấn quân sự trực tiếp trên chiến trường nhưng về mặt chính thức, không có bất cứ binh sĩ của một quốc gia NATO nào tham chiến tại Ukraine.
Các lãnh đạo NATO cũng chưa đồng ý cung cấp cho Ukraine các khí tài hiện đại, tinh vi hơn như máy bay chiến đấu, xe tăng, tên lửa tầm xa hay thậm chí cả các hệ thống phòng không hiện đại, do lo ngại cuộc xung đột sẽ bùng phát ra ngoài tầm kiểm soát, vượt ra ngoài lãnh thổ Ukraine và buộc NATO phải đối đầu trực diện với Nga.
Ví dụ rõ nhất cho thái độ thận trọng này từ phía NATO đó là sự việc tên lửa rơi xuống đất Ba Lan cách đây hơn 2 tuần khiến 2 người thiệt mạng. Ngay khi sự việc xảy ra, chính quyền Ukraine đã quy kết tên lửa là do phía Nga phóng ra và kêu gọi NATO đáp trả nhưng cũng gần như ngay lập tức, đích thân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên tiếng hạ thấp khả năng này. Ngay cả các lãnh đạo Ba Lan, vốn luôn có thái độ chống Nga quyết liệt nhất trong NATO, sau đó cũng đã nhanh chóng xoa dịu căng thẳng và chấm dứt tranh cãi về sự cố. Sự kiện này đã thể hiện rõ ràng quan điểm của NATO là hoàn toàn không muốn đẩy xung đột Nga-Ukraine ra khỏi tầm kiểm soát và đối đầu quân sự với Nga, bất chấp các ý định tương đối rõ ràng từ phía chính quyền Ukraine là muốn NATO can dự càng sâu càng tốt vào xung đột này.
Do đó, việc NATO triển khai thêm quân đến các khu vực biên giới giáp với Nga, từ phía Baltic cho Biển Đen, cũng không làm gia tăng nhiều nguy cơ tạo ra xung đột quân sự trực tiếp với Nga. Chắc chắn hai bên sẽ gia tăng căng thẳng nhưng cả NATO và Nga đều không hề mong muốn đối đầu trực tiếp bởi một cuộc chiến giữa khối quân sự lớn nhất thế giới với một siêu cường hạt nhân sở hữu nhiều vũ khí hạt nhân nhất thế giới sẽ rất nhanh chóng leo thang ngoài tầm kiểm soát, đe doạ sự tồn vong của không chỉ hai bên mà còn của cả nhân loại. Tất nhiên, bất cứ việc gia tăng hoạt động quân sự nào cũng tiềm ẩn yếu tố rủi ro là các vụ đụng độ ngoài ý muốn hoặc các tính toán sai lầm từ cả hai phía.
Phản ứng của dư luận về khả năng NATO hết vũ khí
Gần đây đã có những lo ngại về việc thành viên NATO cạn kiệt nghiêm trọng kho vũ khí và đạn dược sau khi liên tục bơm vũ khí cho Kiev, trong khi đó châu Âu lại đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng.
Chỉ khoảng 2 tháng sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, các lãnh đạo quân sự nhiều nước phương Tây đã tiến hành phân tích và nhận ra một thực tế rằng, phương Tây đang thiếu sự chuẩn bị và dự trữ vũ khí đủ lớn cho một cuộc xung đột cường độ cao như vậy. Pháp, có thể coi là cường quốc quân sự số 1 châu Âu, đã tính toán rằng, nếu phải ứng phó với một cuộc xung đột quy mô lớn với cường độ cao như tại Ukraine thì quân đội Pháp sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt vũ khí chỉ sau 2 tuần. Hay tại Đức, các lãnh đạo chính phủ Đức từng phải thừa nhận rằng lực lượng quân đội Đức nhiều năm qua đã bị xao nhãng quá nhiều khỏi nhiệm vụ chính và quân đội Đức hiện tại không đủ sức bảo vệ đất nước nếu một chiến lớn nổ ra. Giới phân tích châu Âu gọi hiện tượng này là “lợi tức hoà bình”, tức sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc các nước châu Âu đều cắt giảm ồ ạt ngân sách quốc phòng, thu nhỏ quân đội, đồng thời bao năm qua châu Âu vốn chủ yếu tiến hành các chiến dịch quân sự chống lại các đối thủ trang bị yếu kém.
Ngay cả nước Mỹ với quân đội được xem là mạnh nhất thế giới, cũng phải lo ngại kho dự trữ vũ khí chiến lược bị đe doạ khi phải cung cấp quá nhiều vũ khí cho Ukraine, nhất là các tên lửa chống tăng Javelin hay tên lửa phòng không vác vai Stinger. Hiện lượng dự trữ của hai loại khí tài này của quân đội Mỹ đang mức ở tối thiểu bắt buộc. Bộ Quốc phòng Mỹ đã phải nhanh chóng ký hợp đồng với các nhà thầu quốc phòng nhằm bổ sung kho dự trữ vũ khí, ví dụ như việc chi 521 triệu USD mua các tên lửa dùng cho hệ thống pháo phản lực HIMARS hay mua 100 ngàn quả đạn lựu pháo từ Hàn Quốc.
Một bản báo cáo mới nhất do các tờ báo lớn của phương Tây đăng tải cho thấy, hiện nay khoảng 1/3 trong tổng số 350 khẩu pháo hiện đại mà các nước phương Tây viện trợ cho Ukraine, như pháo M777 của Mỹ, Caesar của Pháp hay PzH 2000 của Đức… đang trong tình trạng không thể hoạt động. Nguyên nhân một phần là do các trận pháo kích, ném bom của Nga và một phần khác là do các khí tài này phải hoạt động hết công suất và được vận hành một cách không phù hợp bởi binh sĩ Ukraine.
Đó là lí do mà mới đây các nước NATO đã phải thành lập các trung tâm bảo hành vũ khí tại Ba Lan và Slovakia để giúp sửa chữa, bảo hành các khí tài mà phương Tây viện trợ cho Ukraine. Câu hỏi đặt ra là phương Tây có thể duy trì sự trợ giúp cực kỳ hao tổn về tài lực và vật lực như vậy đến bao giờ, khi xung đột Nga-Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đến một thời điểm nào đó, tất cả những điều này sẽ có tác động đến suy nghĩ và đánh giá của dư luận các nước phương Tây bởi việc viện trợ quân sự, kinh tế… cho Ukraine đều phản ánh hết trong các chi phí kinh tế mà chính phủ các nước phương Tây phải bổ sung, trong bối cảnh suy thoái kinh tế, khủng hoảng năng lượng đang ngày càng nặng nề hơn.
Tại Pháp, ngân sách quốc phòng trong 3 năm tới đã phải tăng đáng kể nhằm mua sắm thêm các vũ khí mới, nhất là các phương tiện bay không người lái (UAV). Riêng với Liên minh châu Âu – EU, số tiền phải chi thêm cho quốc phòng sẽ là 70 tỷ euro từ nay đến năm 2025. Vì thế, mặc dù đa số người dân châu Âu hiện tại có thể vẫn ủng hộ việc gia tăng các hoạt động quốc phòng của NATO nhưng nếu tình trạng này kéo dài, chắc chắn sự bất mãn sẽ gia tăng./.
Theo Quang Dũng (Vov.vn)