“Các nước nhỏ đã cạn kiệt tiềm năng”, và theo một quan chức Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ít nhất 20 trong số 30 thành viên của liên minh “đã bị khai thác khá nhiều”. Chỉ các nước đồng minh lớn hơn, bao gồm Pháp, Đức, Ý và Hà Lan mới đủ kho dự trữ để tiếp tục viện trợ hoặc có khả năng tăng cường chuyển vũ khí của họ tới Ukraine.
Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine vào cuối tháng 2, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã cung cấp cho Kiev gần 40 tỷ đô la viện trợ an ninh, tương đương toàn bộ ngân sách quốc phòng hằng năm của Pháp. Mátxcơva đã nhiều lần cảnh báo rằng các lô vũ khí sẽ chỉ khiến xung đột bị kéo dài và làm tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa Nga với NATO.
Khi Ukraine tiếp tục kêu gọi cung cấp thêm vũ khí, thì kho dự trữ của Liên minh châu Âu (EU) đang dần cạn kiệt, còn Đức đã “đạt đến giới hạn” vào đầu tháng 9. Lithuania, vốn không còn vũ khí để viện trợ, vẫn kêu gọi các đồng minh trao cho Ukraine “tất cả những gì chúng ta có”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố sẽ duy trì dòng chảy vũ khí “chừng nào còn cần thiết", nhưng ngay cả kho dự trữ của Mỹ cũng đang chịu ảnh hưởng không nhỏ sau nhiều lần viện trợ cho Kiev. Đến tháng 8, kho dự trữ đạn pháo 155mm của Mỹ ở mức “thấp một cách đáng ngại”, theo Wall Street Journal.
Thông cáo mới nhất của Lầu Năm Góc nêu chi tiết về hơn 19 tỷ đô la viện trợ quân sự trực tiếp được phê duyệt kể từ tháng 2, trong đó bao gồm hơn 46.000 hệ thống xuyên giáp, gần 200 khẩu lựu pháo, 38 hệ thống pháo phản lực phóng loạt cơ động cao (HIMARS), cùng một loạt vũ khí hạng nặng, phương tiện và đạn dược khác, cũng như hơn 920.000 loạt đạn pháo 155mm.
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ trước đây đã chỉ ra rằng quân đội nước này “không được cấu trúc để chiến đấu hoặc hỗ trợ một cuộc xung đột kéo dài”, trong khi ngành công nghiệp quốc phòng “có quy mô phù hợp với tỷ lệ sản xuất trong thời bình” và việc mở rộng năng suất sẽ mất nhiều năm.
NATO đã đầu tư rất nhiều vào Ukraine. Các thành viên của liên minh cũng tham gia hỗ trợ đào tạo lực lượng Ukraine và cung cấp thông tin tình báo. Bất chấp “sự hỗ trợ chưa từng có” này, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhiều lần tuyên bố rằng “liên minh không phải là một bên trong cuộc xung đột”.
Trong khi đó, nhiều quan chức hàng đầu của Nga, bao gồm cả Ngoại trưởng Sergey Lavrov, đã cáo buộc NATO tiến hành một cuộc chiến uỷ quyền chống lại Nga.
Theo Minh Hạnh (Tiền Phong)