Nhận thêm 30 xe chiến đấu bộ binh từ NATO, Ukraine tự tin trong cuộc xung đột với Nga

30/11/2022 13:34:29

Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Jaroslav Nad thông báo nước này đã gửi 30 xe chiến đấu bộ binh BMP-1 tới Ukraine để đổi lấy phương tiện thiết giáp từ Đức.

Nhận thêm 30 xe chiến đấu bộ binh từ NATO, Ukraine tự tin trong cuộc xung đột với Nga

Bộ trưởng Nad cho biết trên mạng xã hội rằng hai quốc gia đã đồng ý về việc trao đổi vũ khí vào mùa hè. Theo đó, Slovakia sẽ nhận từ Đức 15 xe tăng chiến đấu Leopard 2A4 đã được đại tu, hoàn chỉnh với đạn dược, phụ tùng thay thế và huấn luyện, để thế chỗ cho số xe chiến đấu bộ binh thời Liên Xô mà nước này tặng cho Ukraine.

Bộ trưởng lưu ý Slovakia đã hoàn thành một phần của thỏa thuận, nên nước này hy vọng xe tăng Đức sẽ bắt đầu được chuyển đến ngay trong tháng tới và thỏa thuận sẽ được hoàn thành trong năm 2023. Ông giải thích rằng xe tăng Leopard sẽ tăng cường đáng kể khả năng của Slovakia và giúp nước này xây dựng một lữ đoàn cơ giới hạng nặng tiêu chuẩn Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Bộ trưởng Nad cám ơn người đồng cấp Đức – bà Christine Lambrecht vì “sự hợp tác xuất sắc” trong đoạn Tweet thông báo về thỏa thuận này hôm 29/11.

Slovakia đã gia nhập NATO vào năm 2004. Kể từ khi xung đột bùng phát giữa Nga và Ukraine, Slovakia đã gửi một số thiết bị quân sự cho Kiev để đổi lấy thiết bị thay thế của phương Tây.

Hồi tháng 4, Thủ tướng Slovakia Eduard Heger tuyên bố nước này sẽ viện trợ hệ thống phòng không S-300 từ thời Liên Xô cho Kiev, sau khi quân đội Slovakia triển khai tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất với sự giúp đỡ của quân đội Đức và Hà Lan.

Tuần trước, tờ New York Times đưa tin một số quốc gia NATO đang gặp phải tình trạng thiếu vũ khí do liên tục ủng hộ Kiev.

Cụ thể, chỉ các nước đồng minh NATO “lớn hơn” như Pháp, Đức, Ý và Hà Lan mới có khả năng duy trì hoặc thậm chí tăng cường vận chuyển vũ khí tới Ukraine.

“Trong khi đó, các nước nhỏ hơn đã cạn kiệt kho dự trữ”, một quan chức NATO nói, đồng thời cho biết ít nhất 20 trong số 30 thành viên của khối đã “bị khai thác khá nhiều”.

Từ tháng 2 đến nay, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã rót cho Kiev hàng tỷ đô la viện trợ quân sự. Mátxcơva đã nhiều lần cảnh báo phương Tây không nên “bơm” vũ khí cho Ukraine, cho rằng điều đó sẽ chỉ kéo dài cuộc xung đột chứ không thay đổi được kết cục, đồng thời làm tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa Nga với khối quân sự do Mỹ đứng đầu.

Theo Minh Hạnh (Tiền Phong)

 

Nổi bật