Tờ báo Nhật Bản nhắc lại thông tin cho biết cách đây chưa lâu, Không quân Ấn Độ đã phóng thử thành công tên lửa hành trình diệt hạm BrahMos-A từ tiêm kích Su-30MKI nâng cấp, hoàn thiện bộ 3 mang phóng của vũ khí đáng sợ này, bao gồm phiên bản triển khai trên không, trên bộ và trên biển.
Ấn Độ thời gian qua cấp tốc xây dựng tiềm lực hải quân được cho là do họ ngày càng ý thức mạnh hơn về nguy cơ quân đội Trung Quốc tiến vào Ấn Độ Dương, cho nên New Delhi đang mở rộng phòng tuyến đến eo biển Malacca.
Nga và Ấn Độ đã đạt được thỏa thuận giúp nâng tầm bắn của BrahMos lên tới 600 km, đủ sức bao trùm toàn bộ Ấn Độ Dương. Nếu phóng ở căn cứ trên quần đảo Andaman - Nicobar thì có thể khống chế cả eo biển Malacca.
Ngoài chế tạo phiên bản BrahMos thế hệ mới, Hải quân Ấn Độ còn tích cực gia tăng quy mô hạm đội tàu mặt nước cũng như tàu ngầm.
Ấn Độ đang thúc đẩy chế tạo tàu sân bay đầu tiên INS Vikrant. Do tháng 3/2017 có một tàu sân bay nghỉ hưu, Ấn Độ hiện chỉ còn một hàng không mẫu hạm, nhưng khi INS Vikrant hoạt động trong vài năm tới sẽ hình thành 2 biên đội tàu sân bay, có khả năng đồng thời tiến hành tác chiến trên hai hướng chính với Trung Quốc và Pakistan.
Hải quân Ấn Độ cũng vừa chính thức biên chế chiếc tàu ngầm Scorpene đầu tiên chế tạo trong nước theo công nghệ của Pháp.
Ngoài ra nước này còn nhập khẩu thêm 3 khinh hạm Dự án 11356M được Nga bán lại do thiếu động cơ, đồng thời lên kế hoạch hoàn thiện các khu trục hạm Kolkata.
Ngoài chính sách tự lực tự cường, Ấn Độ còn tích cực mở rộng hợp tác quân sự với các nước trong khu vực.
Họ là một mắt xích trong "chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở cửa" được 4 nước Nhật, Mỹ, Australia, Ấn đưa ra nhằm kiềm chế Trung Quốc. Tuy nhiên, lập trường của các nước trong vấn đề bảo đảm an ninh khu vực vẫn tồn tại sự khác biệt.
Ấn Độ mong muốn hợp tác với Việt Nam về an ninh biển ở phía đông Ấn Độ Dương, đang có kế hoạch bán tên lửa BrahMos cho Việt Nam. Nhưng theo báo Nhật, Mỹ sẽ không để cho Ấn Độ làm xáo trộn kế hoạch an ninh khu vực do họ đóng vai trò chủ đạo.
Ngoài ra báo Nhật bình luận việc Ấn Độ bán BrahMos cho Việt Nam còn gây ảnh hưởng tới quyền lợi của Nga, vì Moskva cũng muốn Việt Nam mua thêm các tên lửa Yakhont - nguyên mẫu thiết kế của BrahMos, họ không muốn phải chia sẻ lợi nhuận cho đối tác Nam Á.
Theo Tùng Dương (Đất Việt)