Loại vũ khí này đã được bàn thảo tại một cuộc họp hồi tháng 8 của Nhà Trắng liên quan tới Triều Tiên, theo 2 quan chức Mỹ nắm trực tiếp thông tin về cuộc họp này.
Vũ khí vi sóng, còn được biết tới là CHAMP (Dự án Vi sóng Công suất cao Tiên tiến chống điện tử), được gắn vào một tên lửa hành trình và có thể phóng từ máy bay ném bom B-52.
Với tầm xa hơn 1.000km, những vũ khí này có thể bay vào không phận đối phương ở tầm thấp và phóng các năng lượng vi sóng nhằm vô hiệu hóa các hệ thống điện tử.
"Các tín hiệu vi sóng công suất lớn có khả năng gây gián đoạn và vô hiệu hóa rất hiệu quả các mạch điện tử" – chuyên gia Mary Lou Robinson – người đứng đầu bộ phận phát triển vũ khí tại Phòng nghiên cứu Không quân Mỹ tại Albuquerque chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với NBC News.
Những người ủng hộ nói rằng vũ khí vi sóng có thể được dùng để ngăn chặn Triều Tiên phóng tên lửa bằng cách nhằm vào hệ thống kiểm soát trên mặt đất cũng như hệ mạch điện của chính tên lửa. Tuy nhiên, loại vũ khí này hiện chưa được đưa vào hoạt động.
Vũ khí vi sóng công suất lớn (HPM) hoạt động như thế nào?
"Hãy nghĩ tới tình huống khi ta đặt vào một vật gì đó có kim loại vào lò vi sóng. Hẳn nhiều người biết mọi việc sẽ tệ như thế nào? Tưởng tượng xem khi nhằm trực tiếp những vi sóng đó vào hệ thống điện của ai đó!"- Thượng nghị sĩ Martin Heinrich nói.
Ông Heinrich vốn là một thành viên của Ủy ban Quân vụ Thượng viện (Mỹ). Ông bắt đầu sự nghiệp là một kỹ sư tại Phòng nghiên cứu Không quân Mỹ tại Albuquerque.
"Các trung tâm chỉ huy và kiểm soát vốn đầy những hạ tầng điện tử sẽ chịu tổn thương lớn từ vi sóng công suất cao"- Trung Tướng nghỉ hưu David Deptula – người từng điều hành tác chiến không quân ở Afghanistan và Iraq, đồng thời cũng là người từng đứng đầu tình báo Không quân Mỹ, cho biết.
Không quân Mỹ và các cơ quan chính phủ khác đang hợp tác để vũ khí hóa vi sóng trong hai thập kỷ qua. Nhiều bộ phát đã được triển khai trên thực địa ở Afghanistan và Iraq, chúng được dùng để vô hiệu hóa các thiết bị nổ hoặc các máy bay không người lái nhỏ.
Tuy nhiên, việc biến vi sóng công suất cao thành vũ khí chiến lược đã bị chậm lại bởi cần phải giảm thiểu kích cỡ và khối lượng của công vụ phát sóng, và rồi cần phải tích hợp với các nguồn điện đủ để chạy mạch vi sóng.
Phòng nghiên cứu Không quân Mỹ tại Albuquerque đã bắt đầu làm việc với CHAMP vào tháng 4-2009. Phòng nghiên cứu này có các bộ phát HPM vào một phiên bản phi hạt nhân của tên lửa hành trình do Boeing chế tạo.
Phó tổng thư ký LHQ đến Triều Tiên
Trong một diễn biến đáng chú ý, Phó Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Jeffrey Feltman hôm 5-12 bắt đầu chuyến thăm kéo dài đến ngày 8-12 tới Triều Tiên.
Đây là chuyến thăm cấp cao nhất của một quan chức LHQ tới Triều Tiên trong vòng hơn 6 năm qua, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong khu vực vì chương trình vũ khí và hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric nói ông Feltman, vốn là cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, sẽ thảo luận "các vấn đề lợi ích và quan ngại chung" với các quan chức Triều Tiên. Tuy nhiên, ông Dujarric không biết liệu vị quan chức hàng đầu LHQ có tiếp xúc với nhà lãnh đạo Kim Jong-un hay không.
Theo Đỗ Quyên (Nld.com.vn)