Các nhà khoa học mới đây đã công bố loại virus Camp Hill tìm thấy trong loài chuột chù ở Alabama (Mỹ). Điều này làm dấy lên lo ngại rằng loại virus này có thể lây truyền qua vật chủ là động vật sang người và có khả năng gây ra một đợt dịch bùng phát rộng.
Theo đó, virus Camp Hill thuộc họ các tác nhân gây bệnh henipavirus có tỷ lệ tử vong cao. Tuy nhiên, loại virus này vẫn chưa được ghi nhận phát hiện ở người. Virus gần nhất với Camp Hill lây nhiễm cho con người là Langya - loại virus lây từ chuột chù sang người ở Trung Quốc gây ra các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, ho, đau nhức cơ, rối loạn chức năng gan và tổn thương thận.
Tiến sĩ Rhys Parry từ Đại học Queensland - người xác nhận sự hiện diện của virus ở chuột chù Alabama, cho biết: “Điều này chỉ ra rằng, có thể xuất hiện tình trạng lây truyền từ chuột chù sang người. Việc phát hiện henipavirus ở Bắc Mỹ có ý nghĩa rất quan trọng vì nó cho thấy loại virus này có thể lan rộng trên toàn cầu.”
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng cho biết, cần phải nghiên cứu thêm để xác định liệu virus này có khả năng đe dọa con người hay không.
Tiến sĩ Parry cho biết: “Các virus thuộc họ Henipavirus đã gây ra những căn bệnh nghiêm trọng, có thể dẫn tới tử vong ở người và động vật ở nhiều khu vực khác. Một trong những loại Henipavirus nguy hiểm nhất là Hendra - lần đầu tiên được phát hiện ở Brisbane (Úc) và có tỷ lệ tử vong là 70%. Ngoài ra, virus Nipah với tỷ lệ tử vong từ 40 đến 75% được phát hiện trong các đợt bùng phát ở Đông Nam Á, bao gồm cả Malaysia và Bangladesh.”
Virus Hendra và Nipah có thể gây ra các triệu chứng cúm và suy hô hấp bao gồm viêm phổi. Virus Hendra có thể dẫn đến viêm não và tủy sống nghiêm trọng, co giật, lú lẫn và hôn mê. Cùng với đó, virus Nipah cũng có thể gây ra co giật, viêm não, mất phương hướng, lú lẫn và hôn mê chỉ trong vòng 24 giờ.
Cả hai loại virus này đều không có cách điều trị đặc hiệu.
Dơi ăn quả Úc là vật chủ điển hình của virus Camp Hill. Các nhà khoa học cho biết, việc phát hiện ra loại virus này lần đầu tiên từ loài động vật có vú ở Bắc Mỹ có thể thay đổi nhận thức trước đây về cách thức lây lan của loại virus này, chứng tỏ nó đã phân bố rộng rãi hơn về mặt địa lý và tiến hóa để tồn tại trong các loài động vật khác nhau.
Chuột chù đuôi ngắn phương bắc thường gặp ở các khu rừng rậm và đầm lầy, thường ở Nam Canada và miền Đông và miền Trung Hoa Kỳ. Phần lớn môi trường sống của chúng chồng lấn với nơi con người, tạo điều kiện cho sự lây lan.
Các nhà nghiên cứu cho biết, họ đã phát hiện ra loại virus này ở chuột chù vào năm 2021, mặc dù chỉ mới công bố báo cáo vào tuần này. Loại virus này chưa từng được phát hiện ở loài động vật nào khác ngoài loài dơi và cũng chưa từng lây nhiễm cho người.
Virus Camp Hill chủ yếu được tìm thấy trong thận của chuột chù, điều này cho thấy nó sẽ tấn công các cơ quan tương tự ở người. Đồng nghiên cứu, Tiến sĩ Ariel Isaacs cho biết nhóm sẽ tập trung vào việc phát triển vắc-xin cho họ vi-rút này.
Theo Phạm Trang (Nguoiduatin.vn)