Trang Firstpost (Ấn Độ) ngày 14/1 đưa tin, theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa danh tiếng New England Journal of Medicine (Mỹ), một loại virus mới do bọ ve cắn đã được phát hiện ở vùng đông bắc Trung Quốc, tạm thời được đặt tên là Virus Xue-Cheng (XCV).
Theo đó, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã tiến hành theo dõi 252 bệnh nhân bị bọ ve cắn từ tháng 5 đến tháng 7/2023 tại một bệnh viện ở thành phố Mẫu Đơn Giang (tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc) và phát hiện ra một loại virus chưa xác định trong huyết thanh của hai bệnh nhân bằng cách giải mã trình tự gen metagenomics.
Phân tích phả hệ gen cho thấy XCV có dưới 75,6% tính đồng nhất axit amin với các thành viên của chi orthonairovirus - một họ hàng gần của các loại virus khác cũng lây truyền qua bọ ve. Các nhà nghiên cứu xác nhận đây là một biến chủng mới.
Các nhà nghiên cứu tiếp tục tiến hành thử nghiệm trong phòng thí nghiệm bằng cách phân lập virus trong tế bào Vero 81 và các đặc điểm của nó đã được xác định bằng cách xét nghiệm kính hiển vi và kỹ thuật miễn dịch huỳnh quang.
Nghiên cứu sau đó được mở rộng với 792 người tham gia từ năm 2022 đến năm 2024 và tiến hành phân tích PCR (phân tích các vật chất di truyền AND) thời gian thực.
Trong số 792 người này, 26 bệnh nhân được phát hiện bị nhiễm XCV, biểu hiện qua những triệu chứng từ sốt cấp tính đến các tình trạng nghiêm trọng cần phải nhập viện, báo cáo nghiên cứu cho biết.
Theo nghiên cứu, các quan sát lâm sàng cho thấy những bất thường ở người bệnh như giảm bạch cầu và nồng độ men gan, enzym lactic dehydrogenase và các dấu hiệu viêm nhiễm tăng cao.
Ngoài các trường hợp nhiễm virus ở người, XCV đã được phát hiện ở 6% bọ ve Haemaphysalis concinna và 3,2% bọ ve Haemaphysalis japonica tại các khu vực bị ảnh hưởng. Phân tích di truyền cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa bộ gen XCV ở bọ ve và người, càng làm nổi bật khả năng lây truyền từ động vật sang người của loại virus mới này.
Firstpost đưa tin, sự gia tăng các trường hợp nhiễm virus gây viêm phổi trên người (hMPV) giống cúm ở Trung Quốc gần đây đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra một dịch bệnh mới, gợi lại nỗi sợ hãi từ cuộc khủng hoảng COVID-19.
Sự gia tăng các ca nhiễm hMPV bắt đầu từ đầu tháng 12/2024, 5 năm sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, đã thu hút sự chú ý trên toàn thế giới.
Các chuyên gia cho rằng sự chuyển dịch dân số nhanh chóng là một phần nguyên nhân gây ra sự gia tăng của các dịch bệnh mới. Theo Ngân hàng Thế giới, hơn 200 triệu người ở Đông Á đã di dời đến các khu vực đô thị trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21.
Cuộc di cư hàng loạt này dẫn đến việc phá rừng để xây dựng các khu dân cư, buộc các loài động vật hoang dã thường mang virus trong mình phải rời bỏ nơi cư trú, đến sống gần các khu định cư của con người hơn.
Các chuyên gia cũng nói thêm rằng riêng loài dơi đã mang trong mình rất nhiều loại virus. Khi những loại virus này lây lan giữa các loài, cuối cùng chúng có thể lây nhiễm sang cho người, có nguy cơ dẫn đến các cuộc khủng hoảng y tế mới.
Theo Hữu Hiền (Nguoiduatin.vn)