Hôm 14/12 tại Bộ Quốc phòng, Đại tướng Terrence J. O’shaughnessy - Tư lệnh Không quân Thái Bình Dương Hoa Kỳ và Thượng tướng Phan Văn Giang - Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã có buổi làm việc chính thức.
Hai bên đã trao đổi một số nội dung, phương hướng giao lưu, hợp tác giữa lực lượng không quân hai nước trong thời gian tới như đào tạo phi công, hỗ trợ nhân đạo, tìm kiếm cứu nạn, quân y...
Trong thời gian tới, phía Hoa Kỳ vẫn tiếp tục thực hiện công tác đào tạo phi công cho Quân đội nhân dân Việt Nam trên chính máy bay quân sự của họ, đây là một hành động mang đầy tính biểu tượng.
Như đã biết, hiện nay Việt Nam đang có nhu cầu mua sắm một số chủng loại máy bay quân sự đặc biệt để thay thế phương tiện đã nghỉ hưu hoặc để tăng cường tiềm lực quốc phòng cho đất nước.
Nổi bật trong số những ứng viên gồm có tiêm kích hạng nhẹ F-16 Fighting Falcon, đặc biệt khi hiện nay Việt Nam đang không còn chủng loại tương ứng từ khi "cánh én bạc" MiG-21 rời khỏi lực lượng trực chiến.
Bên cạnh đó còn có máy bay tuần tra săn ngầm P-3C Orion, máy bay vận tải hạng trung C-130J Hercules, trực thăng vũ trang đa năng của hải quân MH-60R Seahawk hay trực thăng đa dụng UH-1Y cho hải quân đánh bộ...
Việc Việt Nam cử phi công đi học tại Mỹ chắc chắn không phải chỉ để chơi, ngoài ra cũng không có khả năng huấn luyện trên máy bay hệ Mỹ rồi lại lái máy bay do Nga sản xuất do tính không tương thích giữa phương tiện đôi bên.
Chính vì vậy mà nhiều nhà quan sát dự đoán đều tập trung vào viễn cảnh Việt Nam sẽ tiến tới hỏi mua máy bay quân sự do Hoa Kỳ sản xuất, nhất là khi hiện nay lệnh cấm vận vũ khí sát thương đã được dỡ bỏ đồng thời Tổng thống Mỹ Donald Trump còn khuyến khích mua vũ khí của họ nhằm cân bằng cán cân thương mại.
Nếu có trong biên chế tiêm kích F-16, máy bay tuần tra săn ngầm P-3C Orion hay một số loại khác thì sức mạnh tác chiến của Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ gia tăng vượt bậc.
Theo Chí Linh (Đất Việt)