Theo một số báo cáo của nước ngoài, Việt Nam từng có trong biên chế tất cả 8 chiếc Antonov An-30, bao gồm cả phiên bản quân sự An-30B và biến thể dân sự An-30A.
An-30 (NATO gọi bằng cái tên Clank) là loại máy bay được thiết kế cho nhiệm vụ đo đạc bản đồ từ trên không, trinh sát không ảnh và cả chở khách do Cục thiết kế Antonov phát triển dựa trên mẫu An-24 và An-26.
Máy bay An-30 được coi như một bước cải tiến từ An-24T, nó sở hữu phần thân trước hoàn toàn mới với mũi bằng kính và khoang điều khiển cao hơn thân 41 cm, buồng lái có hình dạng cái bướu tương tự như chiếc Boeing 747.
Đặc điểm dễ nhất để phân biệt giữa An-30A và An-30B đó là phiên bản máy bay chở khách không có một "cục u" ngay dưới khoang lái kính. Số An-30 của Việt Nam ban đầu thuộc biên chế không quân nhưng sau đó đã được điều động sang bên dân sự.
An-30 thực hiện chuyến bay đầu tiên ngày 21/8/1967, chính thức ra mắt vào tháng 7/1968, được chế tạo hàng loạt trong giai đoạn 1971 - 1980 với tổng số 123 chiếc xuất xưởng ở tất cả các biến thể.
Máy bay có chiều dài 24,26 m; sải cánh 29,2 m; chiều cao 8,32 m; trọng lượng cất cánh 23 tấn.
Trái tim của An-30 là 2 động cơ cánh quạt ZMKB Progress AI-24T công suất 2.103 kW (2.803 ehp) mỗi chiếc, cho tốc độ tối đa 540 km/h, tốc độ hành trình 430 km/h, trần bay 8.300 m, tầm hoạt động 2.630 km.
An-30 được trang bị 4 camera trắc địa với nắp sấp cho phép sử dụng laser, ảnh nhiệt, phân tích trọng lượng, từ tính và các dụng cụ trắc địa địa lý khác. Để các chuyên bay trắc địa diễn ra liên tục và chính xác, thiết bị tiêu chuẩn cho An-30 bao gồm công nghệ điều khiển đường bay bằng máy tính.
Phi hành đoàn của An-30 gồm 7 người, nhân viên đo đạc ngồi trong khoang kính có trường quan sát rất tốt, thậm chí có thể thực hiện nhiệm vụ trinh sát bằng mắt thường khi máy bay hoạt động ở độ cao thấp.
Sau khi những chiếc An-30 phải nhận sổ hưu, một thời gian khá dài Quân đội nhân dân Việt Nam bị trống mảng trinh sát không ảnh phục vụ công tác trắc địa lập bản đồ địa hình quân sự.
Nhưng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, vai trò của chiếc An-30 nặng nề đã được thay thế bằng máy bay không người lái nhỏ nhẹ, chi phí vận hành thấp tuy nhiên lại mang nhiều tính năng vượt trội.
Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Cục Bản đồ - Bộ Tổng tham mưu đã đưa vào khai thác UAV viễn thám phục vụ công tác lập bản đồ địa hình quân sự theo dạng số hóa 3D.
Trong các phóng sự phát trên kênh Truyền hình Quốc phòng, hình ảnh về UAV GeoScan 101 do công ty GeoScan có trụ sở tại St. Petersburg, Nga sản xuất đã được giới thiệu.
Đặc trưng của chiếc máy bay không người lái này chuyên dùng trong công tác xác lập bản đồ địa hình quân sự hoặc đo đạc viễn thám từ trên không này là mức độ tự động hóa cao trong tất cả mọi hoạt động, từ lập kế hoạch bay cho tới xuất dữ liệu cuối cùng nhờ phần mềm Agisoft PhotoScan Pro cài đặt sẵn.
Rõ ràng chiếc UAV Geoscan 101 trên có thể được coi như hậu duệ xuất sắc, không chỉ kế thừa xứng đáng thành tích vinh quang của chiếc An-30 và còn đưa nó lên một tầm cao mới.
Theo Tùng Dương (Đất Việt)