Video Nhật Bản vạ lây từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
Giới chức Tokyo cho biết, chuyến thăm Trung Quốc của ông Abe sẽ đưa quan hệ song phương vào “quỹ đạo mới” trong bối cảnh hai bên kỷ niệm 40 năm ngày ký hiệp ước hoà bình và hữu nghị.
Thúc đẩy thương mại
Về mặt lịch sử, Trung Quốc và Nhật Bản có những mối quan hệ rất khác với Mỹ, một bên là đối thủ, một bên là đồng minh thân cận, nhưng giờ đây cả hai nước đều đối mặt với những phàn nàn từ chính quyền Tổng thống Donald Trump. Mỹ và Trung Quốc đang căng thẳng trong cuộc chiến thương mại, hai bên đánh thuế vào hàng trăm tỉ USD hàng hoá của nhau. Gần đây, căng thẳng Mỹ - Trung còn lan rộng ra cả lĩnh vực quân sự và chính trị, với những cáo buộc không bằng chứng của Washington rằng Bắc Kinh can thiệp bầu cử Mỹ.
Đối với Nhật Bản, xung đột với Mỹ phức tạp và bất ngờ hơn, bởi Washington là đồng minh quân sự và ngoại giao thân thiết của Tokyo hơn 70 năm qua. Thủ tướng Abe là nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên gặp Tổng thống Trump sau cuộc bầu cử 2016. Mặc dù hai bên có nhiều cuộc gặp, song Nhật Bản dường như bị Mỹ “bỏ rơi” trong một số nỗ lực quốc tế, chẳng hạn như trong vấn đề Triều Tiên trong năm nay. Ngoài ra, không giống như những đồng minh khác của Mỹ như Australia, Nhật Bản không những không được ông Donald Trump miễn thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu, mà còn bị chỉ trích khắc nghiệt về thặng dư thương mại 70 tỉ USD với Mỹ.
“Chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Abe diễn ra vào thời điểm cả Bắc Kinh và Tokyo có mối quan ngại chung về Washington, đặc biệt là về các chính sách của Tổng thống Donald Trump. Điều đó thúc đẩy Trung Quốc và Nhật Bản cải thiện quan hệ bất chấp những bất đồng về lịch sử và địa chính trị” - CNBC dẫn lời ông Victor Teo, phó giáo sư tại Khoa Nghiên cứu Nhật Bản của Đại học Hong Kong.
“Việc Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh chính sách Nước Mỹ trên hết và phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc khiến Bắc Kinh có động lực gần gũi hơn với Tokyo. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng cảm thấy phần nào bị Mỹ bỏ rơi khi ông Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP” - ông Glen Fukushima, chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Tiến bộ Mỹ nói và bổ sung rằng, cả Nhật Bản và Trung Quốc đều nhìn thấy lợi ích kinh tế của việc tăng cường quan hệ.
Tháp tùng ông Abe trong chuyến thăm là phái đoàn 500 doanh nghiệp với hy vọng tiếp cận được tầng lớp tiêu dùng trung lưu đang phát triển nhanh ở Trung Quốc - ông Rory Green, nhà kinh tế Châu Á tại TS Lombard nói. Còn theo tờ SCMP, trong chuyến thăm đầu tiên tới Trung Quốc của một Thủ tướng Nhật Bản trong 11 năm, hai bên dự kiến công bố 30 dự án về hạ tầng cơ sở.
Giải quyết khác biệt
Mặc dù mối quan ngại với Mỹ khiến Nhật Bản và Trung Quốc xích lại gần nhau, song lịch sử khó khăn giữa hai bên khiến cho việc thiết lập lại cách tiếp cận lâu dài trở nên khó khăn hơn. Giới phân tích nhận định rằng, chuyến thăm của ông Abe dường như không dẫn đến một đột phá ngoại giao nào đáng kể.
Tiến trình “bình thường hoá” quan hệ gặp trở ngại vào năm 2012 sau khi mối quan hệ sóng gió có lịch sử từ thời kết thúc Chiến tranh Lạnh lại bị “bồi” thêm bởi việc Nhật Bản quốc hữu hoá một số hòn đảo trong chuỗi đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Vài năm sau, mối quan hệ dần ấm lên khi ông Abe trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Nhật Bản trong 15 năm dự kỷ niệm quốc khánh tại Đại sứ quán Trung Quốc vào năm 2017.
Bên cạnh đó, vừa mới tuần này, Tokyo thông báo chấm dứt viện trợ ODA cho Bắc Kinh sau khi đã cấp hơn 32 tỉ USD trong hơn 40 năm qua. Giới chức Tokyo nói rằng, viện trợ kinh tế đã “hoàn thành vai trò” trong việc chuyển đổi nền kinh tế Trung Quốc.
Theo Vân Anh (Lao Động)