Có thể nói, Việt Nam là thị trường lớn và tiềm năng cho các ngành hàng nhập khẩu. Riêng tại Hà Nội, có vô số các thương hiệu và hàng nhập khẩu từ nước ngoài được người tiêu dùng yêu thích và lựa chọn. Dường như, người tiêu dùng đang rất ưu ái trong việc sính ngoại, bất kể từ đồ gia dụng, thời trang đến mỹ phẩm. Tuy nhiên, những nguồn hàng mà họ dang dùng có nguồn gốc xuất xứ như thế nào, chất lượng, giá thành có tương xứng với nhau hay không, đó là câu chuyện phức tạp. Bởi lẽ, trên thị trường hiện nay đang mọc ra vô số các thương hiệu “treo đầu dê, bán thịt chó” khi quảng cáo một đằng, sản phẩm một nẻo làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Trong khi đó, người tiêu dùng luôn là đối tượng được pháp luật bảo vệ về các quyền lợi hợp pháp, trong đó có quyền được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan...
Tiếp nối vấn đề này, vừa qua, báo Người tiêu dùng đã nhận được nhiều thông tin phản ánh của bạn đọc về nhãn hàng Miniso đang có dấu hiệu mập mờ trong việc quảng cáo sản phẩm và nguồn gốc xuất xứ.
Cụ thể, theo tìm hiểu, Miniso là hệ thống cửa hàng lớn, có phạm vi bao phủ toàn quốc thuộc Công ty TNHH MTV Miniso Việt Nam có trụ sở chính tại lầu 7, số 184 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 6, quận 3, TP.HCM. Trong đó, các mặt hàng được bày bán tại chuỗi cửa hàng này cũng hết sức đa dạng về chủng loại và giá thành. Trong khi đó, thu hút người tiêu dùng có lẽ phải kể đến logo của thương hiệu này. Trên đó có dòng chữ “Miniso” và chữ tiếng Nhật khiến không ít khách hàng nhầm tưởng, đây là thương hiệu của Nhật và bày bán các sản phẩm của Nhật.
Mục sở thị bên trong một số cửa hàng tại Hà Nội, PV nhận thấy các sản phẩm của Miniso đều nhắc đến khá nhiều những dấu hiệu có thể khiến nhầm lẫn hàng hóa có xuất xứ Nhật Bản khi trên bao bì các mặt hàng đề cố định có các dòng chữ “Miniso Japan”, “Designed by Japan” và nhiều chữ tiếng Nhật. Mặc dù, các sản phẩm này đều có nhãn phụ bằng tiếng Việt và ghi rõ xuất xứ hàng từ Trung Quốc nhưng vẫn không thể tránh khỏi những hiểu lầm ban đầu. Bởi lẽ, ngày từ chiếc logo đã sử dụng tiếng Nhật nên tâm lý chung, người tiêu dùng sẽ nghĩ Miniso bán hàng Nhật.
Vì thế, nghi ngờ rằng Miniso đang “treo đầu dê, bán thịt chó” là điều không thể tránh khỏi. Và liệu rằng, hành vi này của họ có phải là cạnh tranh không lành mạnh được pháp luật nghiêm cấm hay không?
Pháp luật cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng luôn có những quy định khắt khe để điều chỉnh về vấn đề này. Trong đó, có thể thấy trong việc từ logo đến các thông tin sản phẩm của Miniso dễ có thể là biểu hiện của 2 hành vi vi phạm là: chỉ dẫn gây nhầm lẫn và quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh.
Cụ thể, quy định về chỉ dẫn gây nhầm lẫn, tại Điều 40 Luật Cạnh tranh năm 2004 quy định: “1. Cấm doanh nghiệp sử dụng chỉ dẫn chứa đựng thông tin gây nhầm lẫn về tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, bao bì, chỉ dẫn địa lý và các yếu tố khác theo quy định của Chính phủ để làm sai lệch nhận thức của khách hàng về hàng hóa, dịch vụ nhằm mục đích cạnh tranh. 2. Cấm kinh doanh hàng hoá, dịch vụ có sử dụng chỉ dẫn gây nhầm lẫn quy định tại khoản 1 Điều này”.
Về quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh, tại khoản điểm a khoản 3 Điều 45 luật này cũng nhấn mạnh cấm doanh nghiệp thực hiện các hoạt động quảng cáo đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về một trong các nội dung sau đây: Giá, số lượng, chất lượng, công dụng, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, xuất xứ hàng hoá, người sản xuất, nơi sản xuất, người gia công, nơi gia công...
Như vậy, trước những thông tin phản ánh và quy định pháp luật liên quan, thực sự Miniso có phạm luật hay không và sự lý giải về vấn đề này thế nào, PV đã liên hệ với Công ty TNHH Miniso Việt Nam và các cơ quan chức năng để có câu trả lời chính thức. Sau khi nhận được phản hồi, báo Người tiêu dùng sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong kỳ tiếp theo.
Theo Dương Nhung (Người Tiêu Dùng)