Câu chuyện về một người phụ nữ ở Trung Quốc lừa đảo làm việc đồng thời ở 16 công ty khác nhau – tích lũy đủ tiền mặt để mua một biệt thự ở Thượng Hải – đã gây chấn động mạng xã hội đại lục.
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa tin, vụ lừa đảo nhằm kiếm thật nhiều tiền lương nhất có thể của Quảng Việt (Guan Yue) chỉ dừng lại sau khi người phụ nữ bị cảnh sát bắt giữ trong một lần đi xin việc tiếp theo.
Trước đó, Quảng đã từng đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau trong 16 công ty mà cô là nhân viên. Để che giấu hành tung của mình mà không cần phải có mặt tại nơi làm việc, Quảng luôn đưa ra những bằng chứng vô cùng thuyết phục đó là, vào mỗi lần đi xin việc, Quảng đều lấy điện thoại ra chụp hình sau đó chia sẻ vào các nhóm làm việc là đang đi tiếp xúc với khách hàng.
Ngoài ra, nhằm thuận lợi cho việc chiếm được những khoản tiền lương mà không bị “soi”, Quảng còn tạo ra nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau để được nhận lương ở mỗi công ty, đồng thời lưu giữ về những thông tin chi tiết như ngày bắt đầu, chức danh công việc và số tài khoản để dễ kiểm soát mỗi công việc.
Việc gian lận về xin việc cũng như nhận tiền lương đã trở thành nghề kiếm sống chính của người phụ nữ, thậm chí khi cảm thấy “quá tải” do nhận được quá nhiều lời chấp nhận xin việc, Quảng còn đem bán lại cho người khác nhằm kiếm tiền hoa hồng.
Theo SCMP, cả Quảng và chồng cô, Trần Cường (Chen Qiang) đều tỏ ra rất “cáo già” trong việc thông thuộc các điều luật lao động. Bằng chứng là dù bị phát hiện không đi làm một cách thực tế, nhưng hai vợ chồng nhà Quảng và Trần đều thắng cả 13 vụ khởi kiện các án trọng tài kinh tế.
Trong khoảng thời gian 3 năm, cặp đôi đã tích lũy đủ tài sản để mua được căn biệt thự đắt giá ở quận Bảo Sơn, thành phố Thượng Hải, tuy nhiên không rõ cặp đôi đã phải chi bao nhiêu để có được căn biệt thự này.
Tuy nhiên, “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra” khi vào tháng 1 năm nay, phía tuyển dụng của công ty công nghệ Liễu Giang (Liu Jian) tình cờ phát hiện những điểm khả nghi trong giấy tờ xin việc của Quảng nên đã liên hệ với lực lượng cảnh sát.
Điều tra sau đó cho thấy, những dòng tiền mờ ám dưới dạng tiền lương từ hàng nghìn đến hàng chục nghìn nhân dân tệ đổ về các tài khoản ngân hàng khác nhau nhưng chỉ đứng tên dưới đúng một người.
Cuối cùng, 53 thành viên trong nhóm tội phạm gian lận của Quảng đã bị cảnh sát bắt giữ. Tổng số tiền thu được trong vụ án lên tới hơn 50 triệu nhân dân tệ (gần 165 tỷ đồng).
SCMP trích dẫn thống kê của lực lượng cảnh sát Trung Quốc cho hay, số vụ gian lận liên quan đến tiền lương ở nước này dao động từ 700-800 cá nhân nằm trên khắp đại lục. Trong một vụ án, kẻ lừa đảo thậm chí còn nhờ bạn gái mình làm giám đốc nhân sự trong một công ty nhằm thực hiện trót lọt hành vi lừa đảo của chúng.
Hay trong một trường hợp khác, một tổ chức lừa đảo đã cảnh báo một công ty công nghệ khác rằng đang một nhóm tội phạm gia nhập vào công ty họ rồi từ đó nhóm này đã được công ty nhận vào để thay thế.
Trên các diễn đàn mạng xã hội, người dân Trung Quốc cũng bày tỏ hoài nghi về mức độ an toàn trong việc tuyển dụng lao động ở quốc gia này. Nhiều người yêu cầu cơ quan chức năng cần thắt chặt hơn các quy định về tuyển dụng hoặc sa thải đối với người lao động trong nước.
“Ngay cả khi chỉ có 2 trong số 16 công ty chi trả tiền an sinh xã hội cho nhân viên của họ thì hành vi gian lận cũng đã có thể sớm bị vạch trần”. Một cư dân mạng bình luận.
“Những kẻ lừa đảo này chỉ có thể lừa được những công ty không có uy tín và thiếu trách nhiệm. Bởi nếu những công ty này tuân theo các quy định và luật pháp, những kẻ lừa đảo sẽ không thể sống sót dù chỉ một ngày”, một người khác nói.
QT (SHTT)