Lao động giá rẻ và vòng quay kiệt sức trên tàu cá

17/12/2019 17:01:20

Bị bắt làm nô lệ, bị đánh đập, không có thức ăn và nước uống, nam thanh niên Rahmatullah quyết chí rời bỏ quê nhà Indonesia để tìm kiếm một công việc khấm khá hơn, nhưng thay vào đó anh phải chịu đựng một cuộc sống như địa ngục trần gian.

Lao động giá rẻ và vòng quay kiệt sức trên tàu cá
Một ngư dân kiệt sức sau nhiều giờ làm việc trên tàu cá. Nguồn: Getty.

“Không thể đánh trả”

Tại các vùng nông thôn nghèo ở Đông Nam Á, không khó để những thanh niên như Rahmatullah nhận được các lời chào mời làm việc trên tàu cá với mức thu nhập cao hơn nhiều lần so với các công việc ở thành phố.

Nếu bạn muốn có cá ngừ hoặc mực rẻ tiền, cách dễ nhất là bóc lột lao động giá rẻ. Và lao động giá rẻ có rất sẵn tại Đông Nam Á” Ông Arifsyah M. Nasestion

Theo lời cam kết của một tay “cò”, Rahmatullah được thông báo rằng anh sẽ đánh bắt cá tại Peru, với mức lương 400 USD/tháng, cộng với tiền thưởng. Nhưng người này đã bị một công ty tuyển dụng Indonesia lừa đảo và bán sang Somalia, nơi anh đã trải qua 9 tháng lênh đênh trên biển, làm việc 18 giờ mỗi ngày.

“Tôi phải làm việc như một nô lệ” – anh nói. “Những người Trung Quốc trên tàu được uống nước sạch trong khi chúng tôi phải hứng nước từ điều hòa. Họ đánh đập chúng tôi nếu không đạt sản lượng đánh bắt, ngay cả khi chúng tôi mắc bệnh tật”.

Lao động giá rẻ và vòng quay kiệt sức trên tàu cá - 1

Hàng nghìn đàn ông, phần lớn là lao động nhập cư trái phép ra khơi trên những chiếc thuyền đánh cá Thái Lan mỗi ngày, làm việc trong điều kiện tồi tệ và đối diện với nguy cơ bị bóc lột. Nguồn: NY Times. 

Rahmatullah là 1 trong 40 người Indonesia đang yêu cầu bồi thường sau khi bị một công ty tuyển dụng tên PT Maritim Samudera lừa đảo. Công ty này đã đưa một số người đến các tàu ở vùng biển ngoài khơi Nhật Bản, còn một số khác đi thuyền ra bờ biển Somalia. Trong nhiều buổi lấy lời khai với cảnh sát và chính quyền, những nạn nhân kể lại rất nhiều các vụ đánh đập và bóc lột. Thậm chí đã có hai người chết vì khát và kiệt sức, theo lời khai của Rahmatullah.

Hầu hết những người này phải bám trụ trên biển với phần thức ăn ít ỏi gồm cơm, bắp cải và cá, trong khi nước ngọt lại là thứ “xa xỉ phẩm” đối với họ.

“Đồ ăn trên tàu rất tệ. Trong khi điều kiện nơi ăn ngủ thậm chí còn không dành cho người”, Arianus Ziliwu, 21 tuổi, người đang ở trên một chiếc thuyền ở vùng biển Nhật Bản cho biết.

Bị xiềng xích

Lao động giá rẻ và vòng quay kiệt sức trên tàu cá - 2
Một ngư dân Campuchia làm việc trên một tàu cá Thái Lan. Nguồn: NY Times.

Nhiều năm làm việc trên tàu tiếp tế các tàu cá đánh bắt ngoài khơi Thái Lan, Som Nang cho biết ông đã tận mắt chứng kiến nhiều câu chuyện khó tin về cảnh tượng bóc lột lao động giá rẻ trên biển. “Tôi ước gì không bao giờ phải chứng kiến cảnh tượng đó” - Som Nang hồi tưởng. “Ở cột cờ phía trước con tàu đánh cá, có một người đàn ông cởi trần với khuôn mặt hốc hác, cổ của người này bầm tím do bị quấn quanh bởi một sợi xích dài. Gã thuyền trưởng giải thích do người này luôn có ý định bỏ trốn khỏi tàu mỗi khi có tàu lạ tiếp cận nên buộc phải xích lại”, ông Som Nang nói.

Tên của người đàn ông bị xiềng xích là Lang Long, anh bị bán từ biên giới Campuchia sang Thái Lan. Long chưa bao giờ có ý định đi biển. “Làng của tôi ở ngoại ô Phnom Penh. Tại một buổi lễ chùa, tôi gặp một người đàn ông lạ mặt, ông ta nói rằng sẽ giúp tôi có được một công việc tử tế tại Thái Lan”, người đàn ông 30 tuổi nhớ lại.

Là con lớn trong gia đình, Long quyết định tha hương để có tiền gửi về nuôi cha mẹ và các em, anh được người đàn ông lạ mặt đưa sang phía bên kia biên giới và bị bán cho một thuyền trưởng tàu cá với giá khoảng 530 USD – số tiền còn thấp hơn giá mua một con trâu.

Sau đó, Long cùng 6 người nhập cư trái phép khác bị đưa lên một con tàu gỗ tồi tàn. Người đàn ông không biết được rằng đây là khởi đầu của hành trình đằng đẵng kéo dài 3 năm bị giam cầm trên biển, trong đó có 2 lần bị bán sang các tàu cá khác.

Dáng người gầy và cao, làn da đen sạm đặc trưng của người đi biển lâu năm, Long tỏ ra trầm ngâm khi được yêu cầu kể lại hành trình “địa ngục” của mình trên biển.

Lao động giá rẻ và vòng quay kiệt sức trên tàu cá - 3
Giờ phút nghỉ ngơi hiếm hoi trong khoang tàu của một thủy thủ. Nguồn : NY Times.

“Những ngày đầu, tôi dùng một lưỡi câu rỉ sét để khắc các vết trên thành tàu để đánh dấu ngày tháng. Cuối cùng tôi cũng dừng hành động vô nghĩa này bởi tôi không biết liệu có sống sót để được trở về đất liền hay không”, người đàn ông trở nên lạc giọng.

Đáng lẽ ra, càng làm lâu trên tàu thì khoản nợ của Long với thuyền trưởng phải vơi đi, thế nhưng anh lại bị bán sang tàu cá khác. “Kinh nghiệm đi biển lâu năm giống như bản án chung thân đối với tôi, họ sẵn sàng bán tôi sang các tàu cá khác với giá cao hơn số tiền nợ ban đầu và bắt tôi làm việc để trả đủ tiền cho họ”, Long trần tình.

Sinh ra và lớn lên tại đồng bằng, Long chưa bao giờ thấy biển trước khi bị bán lên tàu cá, những cơn say sóng và các trận đòn roi từng quật ngã anh nhiều lần. “Những ngày đầu tôi liên tục mắc lỗi do không biết dùng lưới và không phân biệt được các loại cá, nếu một người làm việc chậm chạp hay mắc lỗi thì sẽ bị người chủ đánh đập không nương tay và cắt bỏ phần ăn trong ngày”.

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Thái Lan, Long Lang có những vết thương tích gây ra bởi một vật cứng nghi là gậy sắt, ngoài ra anh cùng các thủy thủ khác chỉ có khoảng một giờ đồng hồ mỗi ngày để nghỉ ngơi.

“Đã có những lúc tôi nghĩ tới việc nhảy khỏi tàu để chạy trốn, thế nhưng xung quanh tôi chỉ có một màu xanh của nước biển. Nhiều lần tôi có ý định dùng bộ đàm trên tàu để gọi cứu hộ, tuy nhiên tôi chằng biết cầu cứu ai”, Long kể lại cho bác sĩ sau khi được giải cứu.

“Điều đáng kinh ngạc là các thủy thủ trên tàu đều tỏ ra thản nhiên khi chứng kiến hoàn cảnh của Long”, Som Nang kể lại. Sau khi trở về đất liền, ông Som Nang đã liên lạc với một tổ chức nhân đạo, họ chấp nhận trả 750 USD để chuộc Long.

Vào tháng 4 năm 2014, Som Nang mang tiền tới giao cho thuyền trưởng để mua lại sự tự do cho Long, sau đó dìu người đàn ông sang tàu tiếp tế để trở về đất liền.

Suốt chuyến hành trình kéo dài 6 ngày, Long khóc liên tục và ngủ thiếp đi do mệt mỏi. Các thuyền viên trên tàu đã phải che dấu tung tích của anh do lo ngại các thuyền trưởng tàu cá khác khi biết tin sẽ gây sự với họ.

Ông Som Nang ngừng làm việc trên biển ngay sau chuyến đi giải cứu Long và chuyển sang làm việc tại một nhà máy trên đất liền. “Tôi vẫn gặp ác mộng với những gì diễn ra ngoài biển khơi”, người đàn ông trầm ngâm nói.

Hải sản nhuốm máu nô lệ

Trường hợp của Long là khá hy hữu, bởi các chủ lao động tàu cá thường không sử dụng xiềng xích để giam cầm người lao động của mình. Các khoản nợ và khoảng cách với đất liền là những “xiềng xích” vô hình đủ để níu chấn các thủy thủ ở lại làm việc trên tàu.

Đối với những người lao động Thái Lan, các chủ tàu sẽ phải trả tiền trước cho thủy thủ để họ chu cấp cho gia đình trước các chuyến đi biển dài ngày. Tuy nhiên khi sử dụng lao động nhập cư trái phép, giới chủ sẽ giao dịch trực tiếp với các tay môi giới và buộc người lao động làm việc để bù đắp lại khoản tiền này.

Vấn nạn nô lệ trên biển ở các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan và Indonesia bắt nguồn từ sự gia tăng tầng lớp trung lưu tại các quốc gia này, khi mức tiền lương của người lao động trong đất liền đã đủ để trang trải, ngày càng có ít thanh niên tìm tới các công việc vất vả như đánh bắt cá.

Thế nhưng nhu cầu tiêu thụ hải sản không vì thế mà giảm bớt mà thậm chí tăng mạnh trong những năm gần đây, buộc các đoàn tàu đánh cá phải tăng sản lượng khai thác và tổ chức các chuyến đi dài ngày, nhu cầu sử dụng lao động giá rẻ từ các nước như Lào, Campuchia và Myanmar – nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, đã tăng mạng nhằm mục đích tăng cường lợi nhuận và giảm thiểu chi phí đi lại.

Lao động giá rẻ và vòng quay kiệt sức trên tàu cá - 4

“Nếu bạn muốn có cá ngừ hoặc mực rẻ tiền, cách dễ nhất là bóc lột lao động giá rẻ. Và lao động giá rẻ có rất sẵn tại Đông Nam Á”, theo ông Arifsyah M. Nasestion, nhà vận động thuộc tổ chức chống buôn người trên biển Greenpeace Indonesia cho biết.

Mặc dù không có ước tính đáng tin cậy về số lượng ngư dân nhập cư Indonesia trở thành nạn nhân của nạn buôn người, nhưng các nhà chức trách ước tính vào năm 2016 rằng khoảng 250.000 người Indonesia đang làm việc mà “không được bảo vệ” trên các tàu cá nước ngoài.

Hầu hết những người này làm việc trên các đội tàu đánh cá thường che giấu nguồn gốc bằng việc gắn cờ nước ngoài, cách thức nhằm “lách luật” các tiêu chuẩn lao động và môi trường nghiêm ngặt.

Tại Indonesia, có rất nhiều công ty của nhà nước và tư nhân được cấp phép đưa lao động đi nước ngoài. Nhưng một số nhà tuyển dụng và không ít ngư dân chọn làm việc “ngoài luồng” để thu lợi nhuận bất chính, điều này đã khiến quyền lợi của người lao động có nguy cơ bị xâm phạm.

“Vấn đề đầu tiên là thiếu sự giám sát, vấn đề thứ hai là các cơ quan chức năng đã hoạt động kém hiệu quả”, ông Imam Syafi’i, từ tổ chức chống nạn buôn người Phong trào Seafarers (PPI) của Indonesia, cho biết.

Để không có thêm nô lệ hiện đại

PT Maritim Samudera Indonesia, công ty tuyển dụng Rahmatullah, được cho là không có giấy phép đưa người lao động đi nước ngoài và làm giả giấy tờ. Mặc dù phải trả khoảng 100 USD chi phí tuyển dụng, nhưng Rahmatullah đã bị đưa ra nước ngoài mà không được đào tạo cơ bản, hướng dẫn nghề nghiệp hoặc chứng nhận y tế, ông Syafi’i nói.

Công ty PT Maritim Samudera đã từ chối trả lời các câu hỏi về các cáo buộc và cho biết họ đang hợp tác với cuộc điều tra của cảnh sát.

Mặc dù chính phủ Indonesia đã thực hiện các động thái để giảm thiểu vấn nạn bóc lột lao động bằng cách sửa đổi các quy định, nhưng việc thực thi vẫn hết sức phức tạp bởi hệ thống luật pháp chồng chéo và sự hợp tác yếu kém giữa các cơ quan.

Yuli Adiratna, người đứng đầu cơ quan phụ trách bảo vệ người lao động ở nước ngoài của Indonesia, cam kết “việc giám sát các ngư dân lao động ở nước ngoài sẽ được cải thiện”. “Chính quyền Jakarta đang tìm cách tăng cường giám sát và đẩy mạnh hợp tác liên cơ quan”, ông Adiratna nói. “Tôi muốn công ty này bị trừng phạt để không còn nạn nhân nào nữa. Mọi việc xảy ra với tôi và những người như tôi đã là quá đủ, không cần có thêm ai khác phải chịu tổn thương”, Lufti Awaludin Fitroh, một ngư dân khác cáo buộc bị lừa bởi PT Maritim Samudera, tuyên bố.

Chính những câu chuyện “trở về từ địa ngục” như của Lang Long, Rahmatullah hay Fitroh là lời cảnh báo rẳng bóng ma “nô lệ” mà xã hội hiện đại từng cố gắng xóa bỏ vẫn còn hiện hữu và sẽ tiếp tục gây ra hệ lụy lâu dài đối với những nhóm người lao động yếu thế..

Theo Huy Vũ (Ngaynay.vn)