Văn hóa Á Đông nói chung và Trung Hoa nói riêng luôn rất coi trọng việc mộ táng. Những người quyền cao chức trọng sẽ thường tự chuẩn bị hoặc được con cháu xây dựng những lăng mộ hoành tráng, đồ sộ. Với quan niệm để sang thế giới bên kia cũng được sung túc, người xưa có tập tục chôn theo lăng mộ rất nhiều kho báu, của cải đáng giá với mình.
Thế nhưng điều này cũng sẽ "thu hút" những kẻ tham lam muốn đến trộm mộ. Và để ngăn cản những kẻ này, khi thiết kế và xây dựng lăng mộ, nhiều người sẽ tạo những cái bẫy. Trong suốt quá trình dài khảo cổ các ngôi mộ cổ, các nhà khoa học đã khám phá vô vàn cái bẫy thông minh và thâm hiểm, thể hiện sự sáng tạo của người xưa.
Lăng mộ được mệnh danh là "đệ nhất hung mộ" Trung Quốc bên cạnh lăng Tần Thủy Hoàng nằm ở thành phố Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc. Ngôi mộ khổng lồ được phát hiện một cách khá tình cờ vào năm 1981. Khi người dân nơi đây đang tiến hành đào móng xây nhà mới, họ đã đào trúng một bia đá. Thấy trên bia có nhiều ký tự văn tự cổ, họ đã báo cáo cho chính quyền địa phương vì nghi ngờ phía dưới lòng đất có lăng mộ cổ.
Đúng như dự đoán, khi đội khảo cổ học đến nơi đào xới, một lăng mộ bề thế đã hiện ra dưới hàng chục mét đất sâu. Mộ được xác định là có nguồn gốc từ thời Ngũ Đại (907 - 960) và chủ nhân của nó là một vị vương hầu. Khi mới chỉ đào lên, tất cả mọi người đều kinh sợ khi có rất nhiều bộ hài cốt lẫn trong đất cát. Càng khai quật sâu, những bộ xác khô càng lộ ra nhiều. Sau tất cả, các chuyên gia đã tìm thấy 80 bộ thi hài. Họ nằm trong tư thế khác nhau: có người dáng vặn vẹo, miệng há to, có người khuyết tay, khuyết chân,... trông rất bi thảm.
Điều đáng nói là những bộ xương này không hề có niên đại giống nhau, tức không phải người tuẫn táng cùng chủ mộ ban đầu. Tất cả những cái xác chồng chất đều thuộc về những kẻ trộm mộ. Trong 1 thiên niên kỷ, đã có gần 100 đạo tặc tới đây tìm kiếm kho báu, nhưng tất cả đều qua đời và không ai sống sót. Vậy ngôi mộ chứa bí mật gì mà nguy hiểm đến vậy?
Cái bẫy được đặt ra trong ngôi mộ không quá phức tạp nhưng nó khiến người ta lạnh sống lưng khi hình dung ra cái chết quá thảm khốc với 80 đạo tặc. Xung quanh tường và trên trần lăng mộ không phải đất thông thường mà đã thay thế toàn bộ bằng cát mịn. Cát được dùng là loại cát biển được rang nóng cho bay sạch hơi nước và không bị dính vào nhau, từ đó trọng lượng rất nhẹ, dễ trôi.
Mỗi khi có người đào được đường xuống lăng, dòng cát sẽ theo lỗ hổng do chính họ đào ra trôi xuống dưới. Cát chảy liên tục không thể dừng lại sẽ bịt kín đường lên, tức các đạo tặc sẽ không còn đường lui. Họ chỉ có thể chết dần chết mòn ở bên trong, đối mặt với sự thiếu oxy, đói khát, tăm tối và sợ hãi một cách từ từ cho đến khi gục xuống. Những kẻ đến sau còn phải "bầu bạn" cùng những bộ hài cốt xấu số trước đó và đợt đến lượt mình. Đến khi được khai quật vào năm 1981, lượng cát bên trên lăng mộ đã trôi hết nên khi các nhà khảo cổ bước vào, hiện tượng cát lún không xảy ra nữa.
Chính vì cái bẫy tài tình khiến mọi kẻ xâm nhập đều "một đi không trở lại", toàn bộ cổ vật quý giá bên trong lăng mộ vương hầu đều được an toàn. Có rất nhiều di vật văn hóa mang giá trị nghiên cứu cao đã được tìm thấy và hầu như đều giữ trạng thái nguyên vẹn.
Theo Chi Chi (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)