Trên thế giới có không ít nơi tồn tại tập tục ướp xác người sau khi chết, nhưng trước mắt, trong số những xác ướp đã được phát hiện, thi thể còn nguyên vẹn nhất là người phụ nữ được phát hiện trong Mã Vương Đôi - một di tích khảo cổ thời Hán. Chủ nhân của thi thể này là “Tân Truy phu nhân”, dù đã bị chôn cách đây 2100 năm nhưng thi thể của bà vẫn không hề bị thối rữa, làn da thậm chí vẫn còn độ đàn hồi.
Năm 1972, khi các công nhân Trung Quốc cố gắng tìm một nơi trú ẩn của cuộc không kích ở Hồ Nam, họ đã vô tình tìm thấy một thi thể phụ nữ đã được bảo quản rất tốt ở Mã Vương Đôi. Sau khi nghiên cứu, người ta tìm ra danh tính của thi thể phụ nữ là phu nhân của Lợi Thương "Tân Truy phu nhân" vào thời Tây Hán, cách đây đã 2100 năm.
Chồng của Tân Truy phu nhân, Lợi Thương là thừa tướng của dòng họ Ngô ở Trường Sa thời Tây Hán, họ hạ sinh một người con trai tên Lợi Hi. Năm 186 TCN, Tân Truy được an táng, khi ấy bà khoảng 50 tuổi. Tuy nhiên, khi các nhà khoa học phát hiện ra xác ướp của bà vẫn có thể nhìn thấy các vết chân chim nơi khóe mắt, thậm chí các mô dưới da vẫn giữ độ mềm mại và đàn hồi, các khớp ngón tay còn có thể cử động, mạch máu dưới da ở chân hay lông vẫn nhìn thấy được.
Sau khi nhà khoa học tiến hành khám nghiệm tử thi Tân Truy phu nhân, đã phát hiện không có bất cứ cơ quan nội tạng nào của bà bị hủy hoại. Qua xét nghiệm máu, hoàn toàn có thể nhận định đây chính là nội tạng của bà khi còn sống. Thậm chí, các nhà khoa học còn phát hiện trong thực quản và tràng vị của bà có hàng trăm hạt dưa mật (dưa hoàng kim) chứng tỏ bà đã ăn chúng trước khi chết.
Sau quá trình giải phẫu, các nhà khoa học suy đoán nguyên nhân cái chết của Tân Truy phu nhân có thể là do cuộc sống quá mức dư dả. Tân Truy phu nhân mắc rất nhiều căn bệnh khác nhau như bệnh động mạch vành, xơ vữa động mạch thường gây ra sỏi thận, trong thực tràng và gan còn tìm thấy giun tóc, giun kim và sán lá máu… Nguyên nhân cái chết của bà có thể là do túi mật đau thắt dẫn đến động mạch vành.
Khi thi thể của Tân Truy phu nhân được phát hiện, bên cạnh bà ngoài 100 y phục bằng lụa thượng hạng còn có 160 dụng cụ được điêu khắc bằng gỗ. Thi thể của bà được bọc trong 20 lớp lụa, bên ngoài có đến 4 lớp quan tài bịt kín, khoảng trống giữa các lớp áo quan đều bị lấp đầy bởi đất, vôi… khiến thi thể của bà được bảo quản trong môi trường có nhiệt độ thấp và vô trùng, trở thành một xác ướp không bị mục nát thối rữa hiếm có trên thế giới và đặc biệt nhất trong các thi thể được phát hiện ở Mã Vương Đôi.
Ngắm nhìn mái tóc đen dày của Tân Truy phu nhân, bất cứ ai cũng đều cảm thấy kinh ngạc trước kỹ thuật bảo quản thi thể có từ hơn 2000 năm trước. Những phát kiến vĩ đại của người xưa thực sự khiến chúng ta khó có thể tưởng tượng nổi.
Theo Phạm Trang (Pháp Luật & Bạn Đọc)