Không bắt tay sâu với Mỹ, quốc gia này gửi trọn niềm vào Nga: Ký nhiều hợp đồng vũ khí lớn

04/07/2018 14:45:51

Hàng loạt hợp đồng mua sắm vũ khí rất lớn như tiêm kích MiG-29M, trực thăng tấn công Ka-52K, tổ hợp tên lửa phòng không S-300VM đã được quốc gia này ký kết với Nga.

Sau nhiều thập kỷ quay lưng lại với vũ khí Liên Xô và Nga, gần đây Ai Cập đang thay đổi quan điểm mua sắm vũ khí, trang bị quân sự mới.

Thay vì tập trung vào các loại vũ khí mới của nguồn gốc Mỹ và phương Tây, Ai Cập đã mua sắm rất nhiều trang bị quân sự mới có nguồn gốc Nga, đáng kể nhất là các hợp đồng mua sắm tiêm kích MiG-29M, trực thăng tấn công Ka-52K, tổ hợp tên lửa phòng không S-300VM...

Động thái trên của Ai Cập có thể coi là sự quay trở lại của khách hàng truyền thống đối với Nga. Tuy nhiên, khác với quá khứ, Ai Cập chọn lựa vũ khí Nga không chỉ vì khả năng chiến đấu của chúng, mà hơn thế nữa Cairo còn cần nhiều hơn nữa từ Moscow.

Không bắt tay sâu với Mỹ, quốc gia này gửi trọn niềm vào Nga: Ký nhiều hợp đồng vũ khí lớn
Tiêm kích MiG-29M của Không quân Ai Cập.

Đa dạng hóa nguồn cung

Trong quá khứ, Ai Cập và Liên Xô từng có giai đoạn hợp tác quân sự rất mặn nồng. Cairo từng được Liên Xô chuyển giao những khí tài quân sự hiện đại nhất, thậm chí phi công Liên Xô còn từng sát cánh cùng liên quân Ả rập tham chiến với Israel trong chiến tranh Ả rập.

Tuy nhiên, những yếu tố về con người, ảnh hưởng chính trí đã khiến "mối lương duyên" giữa hai bên chấm dứt khi khối Ả rập thua đậm Israel trong cuộc chiến 6 ngày. Chính quyền Cairo sau đó đã chuyển hướng sang thân phương Tây và xu hướng mua sắm vũ khí trang bị quân sự cũng lập tức được đảo chiều.

Hiện tại, trong trang bị quân đội Ai Cập, có thể thấy rõ sự hiện diện rộng rãi của các dòng vũ khí Mỹ và phương Tây. Thậm chí, Ai Cập còn nằm trong số ít quốc gia được Mỹ chuyển giao công nghệ và lắp ráp máy bay chiến đấu F-16 Fighting Falcon, xe tăng M1 Abrams…

Không bắt tay sâu với Mỹ, quốc gia này gửi trọn niềm vào Nga: Ký nhiều hợp đồng vũ khí lớn - 1
Xe tăng M1 Abrams của Mỹ có trong trang bị Lục quân Ai Cập

Điều này cũng thật dễ hiểu vì vai trò cực kỳ quan trọng của Ai Cập đối với khu vực Cận Đông, cũng như vị trí địa chiến lược của quốc gia Bắc Phi này.

Tuy nhiên, có một vấn đề cần thấy rõ trong chính sách của Mỹ và phương Tây là sử dụng các hợp đồng quân sự như con bài để mặc cả chính trị.

Ai Cập không nằm ngoài vòng xoáy đó. Rõ ràng nhất là Ai Cập gần đây đã từng chao đảo vì làn sóng Mùa xuân Ả rập với sự sụp đổ của phong trào Huynh đệ Hồi giáo hay sự trỗi dậy của IS tại bán đảo Sinai, vị trí chiến lược với kênh đào Suez. Cairo đã dần nhận ra mặt trái của sự phụ thuộc hoàn toàn vào một cực quyền lực trên thế giới.

Mặt khác, Ai Cập từng gặp vấn đề với châu Âu liên quan tới hợp đồng vũ khí với lý do nhân quyền. Điều gì sẽ xảy ra khi an ninh quốc gia của Ai Cập lại bị ảnh hưởng bởi quyết định nằm ở nơi nào đó trên thế giới. Cairo muốn tự chủ và đa dạng hóa nguồn cung vũ khí, trang bị điều cần thiết.

Còn quốc gia nào khác trên thế giới có thể đáp ứng được nguồn cung vũ khí hiện đại, không phụ thuộc vào chính trị cho Ai Cập như Nga. Điều này được hiện thực nhanh chóng với các hợp đồng vũ khí trị giá hàng trăm triệu USD.

Chỉ tính riêng năm 2017, Ai Cập đã chi ra hơn 1,1 tỷ USD mua sắm trang bị quân sự từ Nga và con số này sẽ còn tăng trong các năm tiếp theo.

Cùng với đó, Ai Cập chọn vũ khí Nga còn vì một lý do khác là Quân đội Ai Cập trong quá khứ từng có truyền thống sử dụng vũ khí Liên Xô. Những vũ khí có nguồn gốc Nga, Liên Xô rất phù hợp với điều kiện khí hậu sa mạc khắc nghiệt ở Ai Cập.

Giá thành vũ khí Nga cạnh tranh và hơn thế nữa là khả năng chiến đấu của chúng đã được chứng minh, đặc biệt là sau cuộc chiến tại Syria.

Ngoài ra, quân đội Ai Cập còn sở hữu nhiều khí tài quân sự thời Liên Xô và chúng cần được bảo dưỡng và nâng cấp. Nga hoàn toàn có khả năng đáp ứng giúp Ai Cập ở lĩnh vực này.

Như vậy, Ai Cập đã có đủ lý do để quay trở lại tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng với Nga, nhưng xung quanh vấn đề này còn ẩn chứa những thông điệp sâu sắc hơn.

Không bắt tay sâu với Mỹ, quốc gia này gửi trọn niềm vào Nga: Ký nhiều hợp đồng vũ khí lớn - 2
Những tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại mà Ai Cập mua từ Nga như Buk-M1-2, Tor-M2E,...

Củng cố vị thế là cực quyền lực ảnh hưởng tới Cận Đông

Trong quá khứ, Ai Cập từng là quốc gia có ảnh hưởng nhất trong khối Ả rập, nhưng vị thế này đang dần suy yếu với sự vươn lên mạnh mẽ của các quốc gia trong khu vực. Ai Cập cần những nguồn lực mạnh mẽ để duy trì và tăng cường vị thế của mình tại Cận Đông.

Về vấn đề này, Ai Cập cũng như nhiều quốc gia Cận Đông khác vẫn đi theo con đường truyền thống là sử dụng quyền lực về kinh tế với các hợp đồng quân sự tỷ đô hay các ưu đãi về vấn đề kinh tế để lôi kéo sự ủng hộ của các siêu cường.

Trong trường hợp với Nga, câu chuyện vẫn diễn ra tương tự. Nga đang trên con đường khôi phục vị thế siêu cường của mình, cũng như ảnh hưởng tới khu vực Cận Đông. Vị thế của Nga tại Cận Đông đã được gia tăng đáng kể với việc mở chiến dịch chống khủng bố tại Syria và trong tương lai còn là sự tái lập của Hạm đội Địa Trung Hải.

 Quan hệ hợp tác giữa hai bên còn có thuận lợi nhờ truyền thống trong quá khứ và Quân đội Ai Cập còn sở hữu rất nhiều trang bị quân sự có nguồn gốc Liên Xô.

Một yếu tố khác cần tính tới là việc Ai Cập có thể sử dụng hợp tác quân sự với Nga để gây sức ép ngược lại với Mỹ và phương Tây nhượng bộ về các hợp đồng vũ khí hiện đại hay hơn thế nữa là việc chuyển giao công nghệ quân sự mũi nhọn.

Nếu thiếu Nga, dù là đối tác quan trọng, Ai Cập sẽ không bao giờ được tiếp cận công nghệ lõi của nhiều loại vũ khí hiện đại từ Mỹ và phương Tây

Chính vì thế, mở rộng hợp Nga-Ai Cập, đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng có thể coi là mũi tên trúng nhiều đích của Cairo. Sự quay trở lại của khách hàng truyền thống Ai Cập dù với mục đích khác thời Liên Xô, nhưng vẫn mang lại lợi ích cho cả Cairo và Moscow.

Không bắt tay sâu với Mỹ, quốc gia này gửi trọn niềm vào Nga: Ký nhiều hợp đồng vũ khí lớn - 3

Theo Ngọc Huy (Soha/Thời Đại)

Nổi bật