Những dự án phát triển vũ khí vô tình bị lộ mật

29/06/2018 09:32:41

Trong khi phát triển các loại vũ khí thế hệ mới luôn là bí mật của các cường quốc quân sự, việc rò rỉ thông tin nhiều khi vẫn vô tình xảy ra. Trong một bài viết mới đây, Sputnik đã điểm danh 5 vụ lộ bí mật như vậy.

Đầu tiên là siêu ngư lôi hạt nhân Status-6 của Nga. Theo Sputnik, tháng 11-2015, một kênh truyền hình Nga đã "vô tình" chiếu cảnh quay có bản thiết kế chi tiết ngư lôi hạt nhân Status-6 khi đưa tin về cuộc họp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và các tướng lĩnh quân đội.

Bản thiết kế cho thấy hình ảnh một ngư lôi khổng lồ với nhiều thông số đáng kinh ngạc như tầm bắn 10.000km, có thể phóng ở độ sâu 1.000m, tốc độ tối đa hơn 100 hải lý. Sputnik cho biết, vụ rò rỉ thông tin này chưa rõ là vô tình hay hữu ý nhưng cũng khiến Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) náo loạn.

Các chuyên gia của NATO tranh cãi gay gắt liệu rằng một loại vũ khí như vậy có thực sự tồn tại hay chỉ là "đòn gió" của Moscow. Đến năm 2016, Lầu Năm Góc khẳng định Nga đã tiến hành các cuộc thử nghiệm ngư lôi Status-6. Tháng 3 vừa qua, Tổng thống Vladimir Putin cũng xác nhận sự tồn tại của dự án này.

Hai là tiêm kích tàng hình thế hệ 5 Chengdu J-20 của Trung Quốc. Theo Sputnik, dự án phát triển máy bay chiến đấu thế hệ 5 được Trung Quốc bắt đầu triển khai từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước.

Mãi tới tận năm 2011, hình ảnh chính thức của tiêm kích tàng hình Chengdu J-20 mới được chính thức công bố. 5 năm sau, chiếc Chengdu J-20 chính thức "trình làng" tại một cuộc triển lãm hàng không và được biên chế cho quân đội Trung Quốc vào đầu năm 2017. Hiện quân đội Trung Quốc đang được biên chế hơn 20 chiếc Chengdu J-20.

Tuy nhiên, ngay từ năm 2010, trên internet đã xuất hiện nhiều hình ảnh không rõ nét về Chengdu J-20 tại một trung tâm thử nghiệm. Về sau, những hình ảnh này được xác nhận là đáng tin cậy.

Sputnik cho biết, trong khi một số người cho rằng, vụ lộ mật này là vô ý thì nhiều ý kiến khác lại khẳng định đây là bước đi có chủ ý để thế giới thấy được bước phát triển về công nghệ quân sự của Bắc Kinh.

Những dự án phát triển vũ khí vô tình bị lộ mật
Hình ảnh siêu ngư lôi hạt nhân Status-6 xuất hiện trên truyền hình Nga vào tháng 11-2015. Ảnh: Sputnik.

Ba là pháo điện từ lắp trên tàu chiến của Trung Quốc. Hồi tháng 2 vừa qua, những bức ảnh về khẩu pháo hạng nặng bí ẩn lắp trên một tàu chiến của Hải quân Trung Quốc đã được đăng tải trên mạng xã hội và nhanh chóng thu hút sự chú ý của truyền thông.

Các chuyên gia quân sự nhanh chóng nhận ra rằng đây là pháo điện từ, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới lắp thành công loại vũ khí này trên tàu chiến.

Một báo cáo tình báo mới đây của Mỹ cũng xác nhận Trung Quốc đang trong giai đoạn phát triển dự án pháo điện từ lắp trên tàu chiến và dự kiến đến năm 2025 sẽ được đưa vào biên chế chính thức cho Hải quân Trung Quốc.

Các pháo điện từ của Trung Quốc có thể tấn công chính xác mục tiêu ở cách xa 200km trong vòng 90 giây, với mức giá ước tính từ 25.000 đến 50.000 USD mỗi quả so với con số tốn kém 1,4 triệu USD của một quả tên lửa hành trình Tomahawk.

Bốn là chiến hạm tàng hình Sea Shadow của Mỹ. Chiến hạm này được Tập đoàn Lockheed Martin đóng cho Hải quân Mỹ vào giữa những năm 80 của thế kỷ trước.

Dù đã triển khai những biện pháp bảo mật cao như chuyển địa điểm sản xuất ra biển và chỉ thử nghiệm vào ban đêm, thế nhưng vài năm trước khi chính thức "trình làng" vào năm 1993, Sea Shadow đã bị truyền thông Mỹ phát hiện và được mô tả như là "một vật thể nổi không xác định". Chiến hạm tàng hình Sea Shadow đã bị cho "về vườn" vào năm 2006.

Năm là xe tăng K2 Black Panther của Hàn Quốc. Theo Sputnik, khi Hàn Quốc bắt đầu sản xuất mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ mới K2 Black Panther nặng 55 tấn, trị giá 8,5 triệu USD/chiếc vào năm 2007, nhiều nhà quan sát đã bị sốc.

Dự án này đã được phát triển và thử nghiệm ở những địa điểm rất bí mật. Thế nhưng, vào đầu năm 2000, một số bức ảnh chụp mẫu xe tăng này, trong đó phần tháp pháo được phủ bạt ngụy trang, đã lọt vào tay giới truyền thông.

Các chuyên gia quân sự nhanh chóng tính toán chính xác được kích thước và khối lượng xe tăng, đồng thời còn phát hiện được loại vũ khí chủ lực của xe là pháo nòng trơn Rheinmetall 120 mm. Tuy nhiên, hệ thống điện tử, thiết bị liên lạc và hệ thống bảo vệ của K2 Black Panther vẫn còn là bí mật với công chúng.

Theo Hoàng Vũ (Quân Đội Nhân Dân)

Nổi bật