Bao giờ có Brahmos tầm bắn 800km?
"Ấn Độ hiện đang đặt nền móng để thử nghiệm mẫu tên lửa hành trình siêu âm tầm xa BrahMos, có thể tấn công các mục tiêu ở khoảng cách hơn 800km," tờ Hindustan cho biết dựa theo các nguồn tin giấu tên. Đồng thời cũng cho biết thêm rằng, tên lửa này dự kiến được thử nghiệm trước cuối năm nay.
Một điều đáng chú ý là ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ hiện đang tăng cường khả năng của tên lửa BrahMos.
Theo như Catalogue chính thức của Công ty BrahMos Aerospace thì phiên bản nguyên thủy của loại tên lửa này có tầm bắn 290km tuân thủ theo các quy định của Hiệp ước kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR) vốn giới hạn tầm bắn của các loại tên lửa xuất khẩu ở dưới 300km.
Vào tháng 06/2016, New Delhi đã tham gia MTCR và có quyền phát triển và chế tạo phiên bản cải tiến của tên lửa BrahMos với tầm bắn xa hơn.
Vào tháng 02/2017, Giám đốc Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO), ông S. Cristopher cho truyền thông nước này biết rằng tầm bắn của tên lửa BrahMos sẽ được tăng lên từ 450 - 800km.
Các phiên bản tăng tầm bắn của tên lửa BrahMos sẽ được trang bị cho các phương tiện phóng từ mặt đất, trên biển và trên không. Ông cũng cho biết rằng phiên bản BrahMos với tầm bắn lên đến 800km sẽ được phát triển trong vòng 2 năm tới. Tuy nhiên, quá trình phát triển dường như đã được rút ngắn lại.
Kết quả là, vào tháng 03/2017, Ấn Độ đã phóng thử nghiệm thành công tên lửa BrahMos-ER (Extended Range - Tăng tầm bắn) với tầm bắn 400km. Theo như tờ thời báo Hindustan, tên lửa này hiện đang được điều chỉnh lại nhằm đạt được tầm bắn lên đến 800km.
Bước nhảy vọt về năng lực chiến đấu của Ấn Độ
Việc hiện đại hóa tên lửa BrahMos với tầm bắn 800km sẽ tăng cường năng lực của Quân đội Ấn Độ. "Nó (phiên bản mới của tên lửa BrahMos) sẽ là một bước nhảy vọt đáng kể cho dự án BrahMos. Các chiến đấu cơ của lực lượng Không quân (Ấn Độ) sẽ có khả năng tấn công các mục tiêu từ các khu vực xa hơn," một quan chức Ấn Độ cho tờ Hindustan biết.
Công ty BrahMos Aerospace cũng đặc biệt quan tâm đến việc phát triển phiên bản phóng từ trên không (ALCM) của tên lửa BrahMos, được định danh là BrahMos-A, dành cho các máy bay Su-30MKI của Không quân Ấn Độ.
Một chiếc Su-30MKI của nước này đã phóng thử nghiệm thành công tên lửa BrahMos-A vào tháng 11/2017. "Lần phóng thử nghiệm đầu tiên đạt được thành công của tên lửa BrahMos-A từ máy bay Su-30MKI sẽ giúp tăng cường đáng kể khả năng tác chiến của Không quân Ấn Độ," Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết trong một thông báo.
Cần lưu ý rằng, Quân đội Ấn Độ đã tiết lộ ý định phát triển một phiên bản nhẹ hơn của tên lửa BrahMos-A được định danh là BrahMos-NG (New Generation - thế hệ mới). Theo tờ thời báo Hindustan, BrahMos-NG hiện đang ở trong giai đoạn phát triển và các đánh giá ban đầu đã được đưa ra.
Phiên bản phóng từ trên không mới này sẽ được trang bị cho các máy bay Tejas LCA do Ấn Độ chế tạo. BrahMos-NG được lên kế hoạch phát triển vào năm 2019.
Không quân Ấn Độ được cho là đã đặt mua tên lửa BrahMos-A với tổng giá trị khoảng 650 triệu USD. Lực lượng này cũng mong muốn nhận được tổng cộng 40 chiếc Su-30MKI được chuyển đổi để có thể phóng tên lửa BrahMos. Mỗi chiếc máy bay như vậy sẽ mang theo 1 tên lửa BrahMos-A.
"Những chiếc Sukhoi Su-30MKI có tầm hoạt động 3.600km, nếu mang tên lửa có tầm bắn 800km sẽ tăng khả năng tiếp cận của chúng và còn có thể nhiều hơn nữa khi tính đến việc tiếp liệu trên không," một quan chức giấu tên của Ấn Độ cho tờ báo này biết.
Cũng đồng thời nhắc lại rằng, Quân đội Ấn Độ hiện đang vận hành các phiên bản phóng từ mặt đất và từ trên biển của tên lửa BrahMos. Tất cả các tàu mới đóng và nâng cấp của Hải quân Ấn Độ đều được lên kế hoạch trang bị loại tên lửa này.
Theo Ly Vy (Soha/Thời Đại)