Đầu tiên là sự chậm trễ trong việc mở khóa cổng khiến hàng ngàn người mắc kẹt, để rồi giẫm đạp lên nhau. Liên đoàn bóng đá Indonesia (PSSI) xác nhận: “Các cánh cửa lẽ ra phải mở, nhưng nó lại bị đóng lại. Vì thiếu nhân viên nên BTC quyết định rằng chỉ có một số cửa mở và cũng chỉ một số người được lệnh mở cổng. Khi họ chưa kịp đến cửa thì khán giả bắt đầu lao ra, tìm lối thoát khỏi hơi cay do bị cảnh sát bắn”.
Chưa dừng lại ở đó, PSSI điều tra thêm rằng đã có 42 chai rượu được tìm thấy sau vụ bạo loạn. Qua chi tiết này, PSSI cũng quy kết cho BTC sân đã quá lơi lỏng trong việc kiểm tra an ninh.
Ông Erwin Tobing, trưởng ban an ninh của PSSI, cho biết: "Có tới 42 chai rượu được phát hiện ở sân. Tại sao có quá nhiều rượu được mang vào sân như vậy dù đã có nhiều lớp kiểm tra an ninh được thiết lập. Rõ ràng, BTC sân cần phải chịu trách nhiệm".
Thực tế là các án phạt nặng nề đã được PSSI dành cho BTC sân. Trưởng ban tổ chức trận đấu và quan chức chịu trách nhiệm về an ninh của đội bóng chủ nhà Arema đã bị cấm hành nghề suốt đời. Arema FC cũng sẽ phải thi đấu các trận sân nhà ở địa điểm mới cách đó 250km và nộp một khoản tiền phạt tương đương gần 400 triệu đồng.
Sau cùng, như đã nói từ trước, vẫn là sai lầm của cảnh sát Indonesia khi đã dùng hơi cay để bắn vào đám đông. Vì trong lịch sử, những vụ giẫm đạp bi thương trên sân bóng hầu như đều có nguyên nhân do hơi cay. Minh chứng là các thảm họa tại Ghana, Anh, Pháp… khiến hàng chục đến hàng trăm người thiệt mạng.
Đó là lý do FIFA đã phải cấm hơi cay trên sân bóng. Nhưng cuối cùng nó lại được sử dụng tại Indonesia. “Bản án” ban đầu dành cho những người trực tiếp tham gia vào vụ bắn hơi cay là 1 cảnh sát trưởng địa phương và 9 sĩ quan khác bị cách chức. Trong khi đó, 18 sĩ quan khác đang bị điều tra theo lệnh của Tổng thống Indonesia, ông Joko Widodo.
Nhưng “bản án” lớn nhất đang chờ đợi bóng đá Indonesia ở vụ này chính là hàng loạt hình phạt nặng nề treo lơ lửng trên đầu họ. Tất cả cũng bởi sự hâm mộ quá khích, đôi khi lên tới mức côn đồ của NHM bóng đá Indonesia.
Sky Sports nhận xét: “Chủ nghĩa côn đồ đang tràn lan ở Indonesia, nơi mà sự cuồng tín thường kết thúc bằng bạo lực, nổi bật là vụ một cổ động viên Persija Jakarta bị giết bởi một đám đông người hâm mộ đối thủ Persib Bandung vào năm 2018”.
Theo Đặng Lai (Tiền Phong)
https://tienphong.vn/he-lo-nhieu-chi-tiet-soc-trong-tham-kich-giam-dap-tai-indonesia-post1475307.tpo