Indonesia cách chức 10 cảnh sát sau vụ dẫm đạp khiến 125 người chết

04/10/2022 16:02:12

Một cảnh sát trưởng và 9 sĩ quan cảnh sát cao cấp Indonesia bị cách chức, 18 người khác bị điều tra liên quan tới vụ dẫm đạp, chen lấn khiến 125 người thiệt mạng tại sân vận động Kanjuruhan hôm 01/10.

Phát ngôn viên Cảnh sát Quốc gia Indonesia Dedy Prasetyo thông báo cảnh sát trưởng thành phố Malang Ferli Hidayat cùng 9 thành viên của một lữ đoàn cảnh sát cơ động tinh nhuệ đã bị cách chức và có thể sẽ bị sa thải trong một phiên tòa đạo đức cảnh sát.

Ông Dedy Prasetyo cũng cho biết 18 sĩ quan cảnh sát, từ cấp trung tới cấp cao, liên quan tới quyết định phóng hơi cay trong SVĐ, cũng đang bị điều tra.

Cảnh sát đã phóng lựu đạn hơi cay vào cổ động viên sau khi một nhóm người tràn xuống SVĐ Kanjuruhan, thành phố Malang, Đông Java hôm 01/10, khiến hàng ngàn người hoảng loạn tìm cách bỏ chạy.

Indonesia cách chức 10 cảnh sát sau vụ dẫm đạp khiến 125 người chết
Cảnh sát phóng lựu đạn hơi cay trong SVĐ Kanjuruhan hôm 01/10 (Ảnh: AP)

The Guardian dẫn lời ba nhân chứng cho biết cảnh sát không chỉ phóng lựu đạn hơi cay về phía các CĐV tràn xuống sân mà còn phóng lên khán đài, ngoài ra họ cũng không cảnh báo về động thái này.

Hàng ngàn người hoảng loạn tìm cách bỏ chạy đã gây ra tình trạng dẫm đạp, chen lấn khiến ít nhất 125 nạn nhân thiệt mạng, 323 người khác bị thương, theo báo cáo của giới chức địa phương. Ít nhất 32 trẻ em thiệt mạng trong thảm họa, nạn nhân nhỏ nhất mới chỉ ba tuổi.

"Tôi cố đứng trên khán đài, ngay cả khi phải hít hơi cay ngạt thở. 20 năm là cổ động viên Arema FC, tôi chưa từng thấy sợ hãi như vậy," một cổ động viên của đội chủ nhà nói.

Quy định an toàn tại SVĐ của FIFA không khuyến khích nhân viên an ninh hay cảnh sát sử dụng "khí hơi kiểm soát đám đông" trong sân.

Mahfud MD, Bộ trưởng điều phối các vấn đề chính trị, pháp lý và an ninh Indonesia, cho biết cuộc điều tra sẽ kéo dài khoảng hai tuần, và sẽ xác định liệu có hành vi vi phạm pháp luật hay không, các nạn nhân sẽ được đền bù như thế nào và bóng đá Indonesia cần phải làm gì để ngăn chặn những thảm họa như vậy lặp lại.

"Chúng tôi yêu cầu trừng phạt thủ phạm, đồng thời hy vọng cảnh sát sẽ xem xét lại quy trình an ninh," ông Mahfud MD nói.

Cơ quan độc lập được thành lập chỉ hai ngày sau thảm kịch hôm 01/10, khi hàng chục ngàn cổ động viên trẻ của Arema FC tới sân vận động ở thành phố Malang theo dõi trận đấu với đối thủ ersebaya Surabaya.

Sau khi Arema thua 2-3, nhiều CĐV giận dữ đã tràn xuống sân.

Tình trạng bạo lực gây chết người giữa các đội bóng lớn vẫn thường xảy ra tại Indonesia. Một số đội bóng có CLB người hậm mộ với các "chỉ huy", đứng đầu lượng lớn CĐV. Họ thường xuyên ném pháo sáng xuống khán đài, và cảnh sát chống bạo động thường có mặt ở các trận đấu. Kể từ thập niên 1990, hàng chục người hâm mộ đã thiệt mạng trong các vụ bạo lực liên quan tói bóng đá.

Tuy vậy, Indonesia chưa từng chứng kiến thảm họa lớn tới mức này ở các SVĐ. Những gì diễn ra hôm 01/10 tại Malang dường như là sự kết hợp hoàn hảo của nhiều yếu tố, theo New York Times.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã yêu cầu Cảnh sát trưởng Quốc gia điều tra toàn diện vụ việc. Trong bài phát biểu trên truyền hình, ông Joko Widodo cho biết đã yêu cầu Bộ trưởng Thanh niên và thể thao cùng chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Indonesia đánh giá an ninh tại trận đấu bóng đá.

"Tôi lấy làm tiếc khi thảm họa này diễn ra. Tôi hy vọng đây sẽ là bi kịch bóng đá cuối cùng ở Indonesia," tổng thống Joko Widodo nói.

Cảnh sát bảo vệ việc sử dụng lựu đạn hơi cay, cho rằng đây là biện pháp cần thiết để trấn áp các CĐV bạo lực. Tổng điều tra Nico Afinta người đứng đầu cơ quan cảnh sát Đông Java cho biết lựu đạn hơi cay đã được sử dụng do "tình trạng hỗn loạn". Ông nói thêm rằng các CĐV lúc đó "muốn tấn công cảnh sát và phá hoại xe của họ".

Thế nhưng một số nhân chứng không đồng tình với nhận định trên, cho rằng cảnh sát đã phóng lựu đạn hơi cay vô tội vạ lên các khán đài gây ra tình trạng dẫm đạp và làm nhiều người ngạt thở. Video được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy nhiều CĐV cố gắng trèo lên hàng rào để tránh hơi cay. Một số video khác cho thấy lực lượng an ninh được trang bị khiên và gậy đã đánh đập các CĐV trên sân.

Lượng người trên sân vượt quá sức chứa, theo giới chức địa phương. Một quan chức cho biết ủy ban bóng đá địa phương đã in 42.000 vé cho trận đấu, dù sức chứa của sân là 38.000 chỗ ngồi. Tổng điều tra Nico Afinta, người đứng đầu lực lượng cảnh sát Đông Java, cho biết có khoảng 40.000 người trong SVĐ khi vụ việc xảy ra.

Đan Anh (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật