Giám đốc Cơ quan Y tế thành phố Malang Wiyanto Wijoyo cho biết theo thông lệ ở Indonesia, mỗi khi có các sự kiện lớn thu hút đám đông như trận đấu bóng đá, cơ quan y tế địa phương thường được yêu cầu cử nhân viên y tế và xe cứu thương tới để túc trực hỗ trợ.
"Thường là như vậy, dựa trên yêu cầu của cảnh sát hay ủy ban tổ chức sự kiện. Tuy vậy, yêu cầu mà chúng tôi nhận được từ cảnh sát Malang là điều động nhân viên tiêm vaccine Covid-19 có mặt trong trận đấu," ông Wijoyo nói thêm, đồng thời giải thích giới chức thường cử nhân viên y tế tới các sự kiện lớn để thuyết phục người dân tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Wijoyo cho rằng một bệnh viện tư ở địa phương có thể đã điều xe cấp cứu tới hỗ trợ trong SVĐ ở thời điểm trận đấu giữa Arema FC và Persebaya Surabaya diễn ra, nhưng ông không thể xác nhận. Ông nói thêm rằng việc bệnh viện tư hỗ trợ ban tổ chức sân không có vấn đề gì, nhưng lẽ ra phải có yêu cầu gửi tới cơ quan y tế.
Cũng theo Wijoyo, khi trận đấu kết thúc trong hỗn loạn, cơ quan y tế đã được thông báo. Họ điều động tám xe cấp cứu tới hiện trường gần như ngay lập tức.
"Xe cấp cứu đã hỗ trợ công tác sơ tán nạn nhân. Họ tới hiện trường trước nửa đêm", ông khẳng định.
Hôm 04/10, cảnh sát trưởng Đông Java Nico Afinta xin lỗi vì không đảm bảo an ninh trong sân trước khi thảm họa dẫm đạp diễn ra.
"Là cảnh sát trưởng khu vực, tôi lo ngại, lấy làm tiếc và muốn xin lỗi vì không đảm bảo an ninh. Trong tương lai, chúng tôi sẽ đánh giá vụ việc với ban tổ chức và Liên đoàn Bóng đá Indonesia, để các trận đấu bóng đá sắp tới có thể diễn ra an toàn và mang lại lợi ích kinh tế," ông Nico Afinta nói.
Nhân chứng cho rằng một số cửa thoát đã bị khóa khi hỗn loạn xảy ra, khiến nhiều người không thể rời SVĐ. Phát ngôn viên cảnh sát quốc gia Indonesia Dedi Prasetyo xác nhận điều này, đồng thời cho biết giới chức đã lấy lời khai của 29 nhân chứng.
Hà An (Nguoiduatin.vn)