Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước đe dọa sẽ trả đũa các nước bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của Liên Hợp Quốc lên án quyết định của ông công nhận Jerusalem là thủ đô Israel. Ngoài việc đe dọa cắt viện trợ cho các nước bỏ phiếu thuận với nghị quyết, Mỹ còn tuyên bố có thể xem xét phương án rút khỏi Liên Hợp Quốc để đáp trả.
Nhưng 128 quốc gia sau đó vẫn bỏ phiếu thông qua nghị quyết, làm dấy lên lo ngại rằng một người "đã nói là làm" như ông Trump có thể thực hiện những lời đe dọa cắt viện trợ và từ bỏ Liên Hợp Quốc của mình. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng nếu rút khỏi Liên Hợp Quốc, chính bản thân Mỹ cũng sẽ phải hứng chịu những hậu quả rất nặng nề, theo MIC.
Bà Jaime Viens, chuyên gia phân tích chính trị tại Dự án Borgen, cho rằng khi quyết định rời khỏi Liên Hợp Quốc, Mỹ cũng chính thức từ bỏ quyền phủ quyết và tư cách thành viên thường trực Hội đồng Bảo an. Washington cũng sẽ không tiếp tục được quyền tham dự vào các cuộc đàm phán của Liên Hợp Quốc.
Khi từ bỏ các quyền này, Mỹ trở thành đối tượng dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết trước mối đe dọa của các lệnh cấm vận, thậm chí là các quan hệ thù địch. Viens cho rằng trong lĩnh vực ngoại giao, việc đàm phàn sẽ trở nên dễ dàng hơn khi các cường quốc cùng đứng trên một diễn đàn thay vì thực hiện các hành vi tham vấn riêng lẻ.
Trump nói rằng việc cắt viện trợ cho các nước, ngừng tài trợ cho Liên Hợp Quốc sẽ "tiết kiệm cho Mỹ rất nhiều", nhưng điều đó cũng khiến các tiến trình ngoại giao và xây dựng liên minh, vốn là trụ cột trong quyền lực toàn cầu của Mỹ, trở nên phức tạp và tốn kém hơn rất nhiều.
Mỹ hiện là nước đóng góp kinh phí hoạt động lớn nhất cho Liên Hợp Quốc, với khoảng 22% ngân sách chính và 28% chi phí cho các hoạt động gìn giữ hòa bình. Khi nguồn tài trợ lớn như vậy bị Mỹ rút lại, Liên Hợp Quốc sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính, buộc tổ chức này phải cắt giảm đáng kể các khoản chi trên toàn thế giới.
Trong số những chương trình toàn cầu bị cắt giảm của Liên Hợp Quốc sẽ có những chương trình mà Mỹ đã đầu tư rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc và cũng mang về những lợi ích quốc gia không nhỏ cho Washington. Việc các chương trình này bị đình trệ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích của Mỹ ở nước ngoài, đồng thời khiến niềm tin trong dư luận thế giới rằng Mỹ không thể giải quyết những vấn đề toàn cầu sẽ ngày càng tăng lên.
Thiếu Mỹ, Liên Hợp Quốc vẫn sẽ tiếp tục tồn tại, dù quyền lực yếu đi rất nhiều. Đây chính là cơ hội để các cường quốc khác trên thế giới như Trung Quốc, Nga tăng cường lợi ích, vị thế của mình trong tổ chức quốc tế này. Bằng việc tăng cường đóng góp tài chính, các nước này nhiều khả năng sẽ kế thừa được quyền lực và ảnh hưởng mà Mỹ để lại tại Liên Hợp Quốc để thúc đẩy lợi ích của mình trên toàn cầu.
Viens tin rằng nếu Trump hiện thực hóa lời đe dọa rút khỏi Liên Hợp Quốc của mình, Mỹ không chỉ mất đi nhiều lợi ích trên khắp thế giới mà họ đã dày công đầu tư, mà còn gây ra sự thay đổi động lực toàn cầu về phạm vi ảnh hưởng, danh tiếng và quá trình ra quyết định đối với các vấn đề quốc tế.
Đe dọa suông
Với những hậu quả tiêu cực như vậy, giới phân tích cho rằng những lời đe dọa cắt viện trợ hay rút khỏi Liên Hợp Quốc của Trump chỉ là một "chiến thuật đàm phán" của Mỹ nhằm khiến các thành viên Liên Hợp Quốc phải nhượng bộ. Tuy nhiên, chiến thuật này của Trump đã không phát huy được hiệu quả như mong đợi.
"Rõ ràng là phần còn lại của thế giới đã không coi trọng lời đe dọa của Trump", Stephen Miles, giám đốc chương trình Win Without War thuộc Trung tâm Chính sách Quốc tế, nhận định. "Khi phần lớn người dân Mỹ đều không cho rằng những gì Tổng thống nói là sự thật, tại sao cả thế giới lại phải tin?"
Dan Arbell, chuyên gia tại Trung tâm Chính sách Trung Đông thuộc Viện Brookings, không cho rằng Trump sẽ thực hiện lời đe dọa của mình, dù Mỹ vừa phải hứng chịu đòn giáng "bẽ mặt" từ Liên Hợp Quốc.
"Sẽ rất khó để thực hiện lời đe dọa này", Arbell nói. "Không phải là không thể, nhưng nếu Trump có làm, tôi cho rằng ông ấy cũng chỉ quyết định thứ gì đó mang tính biểu tượng hơn là hành động thực tế".
Ngoài ra, để có thể rút khỏi Liên Hợp Quốc hoặc cắt viện trợ nước ngoài, Trump nhiều khả năng sẽ phải xin phê chuẩn từ quốc hội Mỹ, quá trình mất rất nhiều thời gian và có nhiều trở ngại. "Không loại trừ việc ông ấy sẽ có những động thái cho thấy mình không nói suông", Arbell dự đoán. "Nhưng khó có nhiều thành viên quốc hội ủng hộ động thái này".
Trump từng đưa ra nhiều lời đe dọa nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện, chẳng hạn như tuyên bố sẽ "hủy diệt hoàn toàn" Triều Tiên nếu nước này tiếp tục các hành vi khiêu khích hạt nhân. Lời đe dọa này không ngăn được Bình Nhưỡng mới đây phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-15.
Trump cũng từng đe dọa sẽ cắt quan hệ thương mại với Trung Quốc nếu nước này tiếp tục làm ăn với Triều Tiên. Tuy nhiên, Washington đến nay chưa thực hiện biện pháp này, do nó có nguy cơ làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng chi phí cho các doanh nghiệp Mỹ cũng như làm bùng phát căng thẳng địa chính trị ở Đông Bắc Á.
"Tôi cho rằng lời đe dọa của Trump đối với các thành viên Liên Hợp Quốc chỉ là một minh chứng nữa cho sự bất cẩn của ông", Miles nói. "Điều đó đang hủy hoại độ tin cậy của nước Mỹ".
Theo Trí Dũng (VnExpress.net)