7 nước và EU ra tuyên bố khẩn sau điện đàm Trump-Putin
Theo tờ E-News (Nga), Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 12/2 đã có cuộc điện đàm kéo dài gần 90 phút, "nhất trí bắt đầu đàm phán ngay lập tức" để chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine.
Trang Euronews (Pháp) nhận định, cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Putin "đã gửi đi một tín hiệu gây sốc rằng, Washington và Moscow có thể sẽ hợp tác để đạt được thỏa thuận chấm dứt xung đột trong khi bỏ qua chính phủ Ukraine".
Diễn biến mới đã khiến 7 nước châu Âu và Liên minh châu Âu (EU) – những phía dành sự ủng hộ lớn cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga – đồng loạt ra tuyên bố khẩn.
Cụ thể, theo E-News, Ngoại trưởng Đức, Pháp, Ba Lan, Italia, Tây Ban Nha, Bỉ, Anh và EU đã ban hành "tuyên bố khẩn cấp" yêu cầu Mỹ "không bỏ rơi Ukraine và đưa EU vào các cuộc đàm phán".
"Chúng tôi chia sẻ mục tiêu tiếp tục hỗ trợ Ukraine cho tới khi đạt được một nền hòa bình công bằng – một nền hòa bình đảm bảo lợi ích của Ukraine và của chúng tôi. Chúng tôi mong muốn thảo luận thêm về hành động với Mỹ.
Ukraine và châu Âu phải là một phần của bất cứ cuộc đàm phán nào. Ukraine phải được cung cấp các đảm bảo an ninh đáng tin cậy. Một nền hòa bình công bằng và lâu dài ở Ukraine là điều kiện tiên quyết cho an ninh xuyên Đại Tây Dương".
Trong khi đó, lãnh đạo đảng Patriots (Pháp) ông Florian Philippot kêu gọi Paris khôi phục đối thoại với Nga và rời khỏi EU.
"Pháp phải duy trì hòa bình và rõ ràng chúng ta cần phải rời khỏi EU, nơi muốn trả tiền cho mọi thứ! Chúng ta không còn gì để trả, đủ rồi! Hãy nối lại đối thoại với Nga và tất cả các quốc gia trên thế giới, những lời lẽ hiếu chiến đã quá đủ rồi" – Ông Philippot viết trong bài đăng trên mạng xã hội X.
Thủ tướng Hungary Viktor Orbán thì gọi các nhà lãnh đạo EU là "những chú thỏ nhút nhát".
"Vấn đề nằm ở chỗ các nhà lãnh đạo EU và các thể chế của EU đang như những chú thỏ nhút nhát trong luống cày, giống như đang chờ đợi số phận của mình. Nhưng những chú thỏ nhút nhát thì không có tương lai" – Ông Orbán nhấn mạnh.
Trung Quốc phát tín hiệu "sẵn sàng vào cuộc"
Đưa tin về cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Putin, tờ Wall Street Journal (WSJ, Mỹ) tiết lộ về một đề xuất của Trung Quốc.
Theo đó, ngay từ vài tuần gần đây, khi Nga-Mỹ đồng loạt đưa ra tín hiệu sẵn sàng bắt đầu đàm phán để chấm dứt xung đột, Trung Quốc đã thúc đẩy để đóng một vai trò trong quá trình này.
Trước đó, trong bài phát biểu trực tuyến với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, vào tháng 1/2025, ông Trump cũng đã bày tỏ hy vọng Trung Quốc "có thể hỗ trợ chấm dứt chiến tranh, cụ thể là với Nga-Ukraine".
Các nguồn tin từ Bắc Kinh và Washington nắm rõ vấn đề cho biết, các quan chức Trung Quốc đã đưa ra một đề xuất với nhóm của ông Trump thông qua các kênh trung gian về việc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ và hỗ trợ các nỗ lực gìn giữ hòa bình sau khi các phía đạt được lệnh ngừng bắn.
Đáng chú ý, đề xuất của Trung Quốc dự kiến một hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nga mà không có sự tham gia của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, đi ngược lại với cam kết lâu dài của châu Âu về việc đưa Kiev tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán nào để quyết định tương lai nước này.
Bên cạnh đó, một phần trong đề xuất của Trung Quốc nhằm hỗ trợ thỏa thuận hòa bình giữa Nga-Ukraine bao gồm việc Bắc Kinh điều lực lượng gìn giữ hòa bình đến khu vực.
Nga lộ tín hiệu nóng về 100.000 quân sau điện đàm
Về phía Ukraine, tờ Kyiv Independent cho biết, sau cuộc điện đàm với ông Putin, ông Trump đã có cuộc trò chuyện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky qua điện thoại cùng ngày 12/2.
"Tôi vừa nói chuyện với ông Trump. Một cuộc trò chuyện dài về khả năng tiến tới hòa bình, về sự sẵn sàng hợp tác cùng nhau, và cả về năng lực công nghệ, trong đó có việc sản xuất máy bay không người lái và các trang thiết bị hiện đại.
Ukraine mong muốn hòa bình hơn bất cứ bên nào khác. Chúng tôi đang xác định các bước đi chung với Mỹ để ngăn chặn bước tiến của Nga và đảm bảo một nền hòa bình đáng tin cậy" – Ông Zelensky thông báo sau cuộc trao đổi.
Đáng lưu ý, không lâu sau cuộc điện đàm Trump-Putin, khi trả lời tờ The Economist (Anh), ông Zelensky nói rằng Nga đang chuẩn bị đưa một lượng lớn quân tới Belarus. Ông cảnh báo Moscow có thể triển khai số quân này nhắm vào một quốc gia NATO.
Theo nhà lãnh đạo Ukraine, ông nhận được thông tin từ các cơ quan tình báo Ukraine rằng Nga đang thành lập 10-15 sư đoàn với tổng quân số khoảng 100.000 binh sĩ. Trên danh nghĩa, số binh sĩ này sẽ được cử đi tập trận ở Belarus, tương tự như tình huống trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự vào Ukraine năm 2022.
"Họ sẽ nói rằng đây là các cuộc tập trận, các cuộc tập trận gần biên giới Ukraine, như trước đây. Nhưng hãy tin tôi, đây là bước chuẩn bị cho các hành động tấn công" – Ông Zelensky nói.
"Có thể là trong khi chúng ta đang đứng yên, Nga đang chuẩn bị một vị trí chiến lược (bàn đạp) để triển khai lực lượng lớn, và từ đó, họ có thể tiến sang các hướng khác.
Họ có thể tấn công Ba Lan, Lithuania và chiếm đóng các nước này. Tại sao không ai nghĩ rằng điều này sẽ xảy ra?" – Ông Zelensky đặt câu hỏi.
Giới chuyên gia nhận định, cảnh báo của ông Zelensky khó có thể gây ra xáo trộn nhiều đối với tình hình lúc này. Theo trang tin TRT Russian (Nga), trước đó, khi được hỏi về việc có loại ông Zelensky ra khỏi các cuộc đàm phán hòa bình hay không, ông Trump đã ám chỉ tới việc đến một lúc nào đó, tại Ukraine "cũng cần phải có một cuộc bầu cử".
Theo tờ New York Times, dù ông Trump đã điện đàm với ông Zelensky trong vòng 1 giờ sau cuộc trao đổi với ông Putin, nhưng trong bài đăng trên mạng xã hội, Tổng thống Mỹ không nói rõ về việc ông Zelensky sẽ đóng vai trò như thế nào trong tiến trình đàm phán mà Nga-Mỹ đang khởi động.
Đáng lưu ý, trả lời các phóng viên tại phòng Bầu Dục sau cuộc điện đàm với lãnh đạo Nga, ông Trump cho biết ông coi việc Ukraine gia nhập NATO là không thực tế.
"Nga từ lâu đã nói rằng Ukraine không thể gia nhập NATO, và tôi đồng ý với điều đó" – Ông Trump nói.
Theo Minh Nhật (Nguoiduatin.vn)